Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 4: Cần sớm thay đổi kỹ thuật canh tác

16:22' - 02/03/2016
BNEWS Đối mặt với đợt hạn, mặn lịch sử 100 năm mới có đang diễn ra trong mùa khô 2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương ứng phó để khống chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Nhiều cư dân bắt đầu tìm cách “sống chung”, kiếm kế sinh nhai phù hợp. Tuy nhiên, các giải pháp cần có sự tính toán lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu nhất là khi vùng sông nước này không còn dồi dào nguồn nước ngọt như vốn có.

* Đắp đê ngăn mặn

 Nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chọn giải pháp cấp bách trước mắt là đắp đê bao chống hạn, ngăn mặn . Ảnh: TTXVN

Những ngày giữa tháng 2, đi dọc theo tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, chạy dọc con sông Cái Lớn, đoạn qua xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), phóng tầm mắt nhìn đã thấy màu xanh cây ăn trái như cam, quýt bao phủ gần hết vùng.

Ba năm trước đây, cả vùng này phèn chua, nhiễm mặn chỉ có vườn tạp và trồng một số loại cây ăn trái chịu được phèn mặn như cây dứa, mía.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2009, tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh có chiều dài 70 km bảo vệ cho hơn 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.

Đê cao 1,5 m với bề mặt rộng 3,5 m kiêm đường giao thông phục vụ lưu thông thuận tiện. Nhờ có đê bao nên vùng Hỏa Tiến, Tân Tiến của thành phố Vị Thanh hôm nay không bị nước mặn xâm nhập, cây cối xanh tươi, kinh tế vườn phát triển.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống đê bao bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh trước tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ngày một khốc liệt, theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, địa phương cần vốn hoàn thiện đê bao bảo vệ phía Tây và vốn làm đập ngăn mặn từ phía Đông, cũng như khoan khẩn cấp 5 giếng cấp nước sinh hoạt cho dân.

 Không có tiền khoan cây nước, một hộ dân phải bơm nhờ từ giếng khoan của nhà hàng xóm cách đó vài chục mét. Ảnh minh họa: TTXVN

Hệ thống đê bao, cống bọng ngăn mặn, trữ ngọt cũng đang phát huy một số nơi trong tỉnh Bạc Liêu. Tại xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, chỉ còn ít ngày nữa là cánh đồng phía Bắc con Kênh Xáng Ninh Quới – Ngan Dừa canh tác lúa Đông Xuân bắt đầu cho thu hoạch.

Dù bao quanh cánh đồng, hệ thống sông này đã nhiễm mặn hoàn toàn nhưng lúa vẫn chín vàng ươm, khoe bông trĩu hạt, chờ thu hoạch.

Ông Phan Tấn Lời, ấp Ninh Thạnh 2, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân cho biết, gia đình có 14.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp; trong đó có 6.000 m2 sản xuất lúa tại vùng bắc Kênh Xáng Ninh Quới – Ngan Dừa.

Lúa ở đây làm quanh năm được 3 vụ vì có hệ thống cống bọng, đê bao chủ động được nguồn nước sản xuất. Còn 8.000 m2 đất phía nam Kênh Xáng Ninh Quới – Ngan Dừa do không có đê bao, cống ngăn mặn nên chỉ làm được một vụ lúa Đông Xuân, các tháng còn lại bị nhiễm mặn chỉ để nuôi tôm hoặc nuôi cá phi.

Trước tình trạng hạn, mặn khốc liệt, tỉnh Kiên Giang cũng đang chọn giải pháp trước mắt là đắp đê chống hạn, ngăn mặn. Địa phương này đắp 82 đập nhỏ với kinh phí gần 20 tỷ đồng và đang kiến nghị nguồn vốn để đắp 27 đập lớn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Huỳnh Ngọc Vân cũng cho biết tỉnh đang khẩn trương xây dựng các đập tạm thời để tích trữ nước ngọt; điều tiết cống để vừa ngăn mặn và khi có nước ngọt là lấy ngay vào nội đồng.

*Thay đổi kỹ thuật canh tác

Lội từ miếng ruộng được chia từng ô nhỏ như bàn cờ của người dân xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng bộ môn Phân bón và kỹ thuật canh tác - Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ông và các cộng sự đang kiểm tra thực nghiệm, so sánh trồng lúa áp dụng giải pháp canh tác giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Với giải pháp này, canh tác lúa được áp dụng tưới khô ngập xen kẽ, giúp canh tác lúa trong điều kiện thiếu nước, tưới tiết kiệm. Trong tình hình thiếu nước ngọt, giải pháp trồng lúa bền vững là không cần duy trì nguồn nước liên tục mà sẽ làm khô nước mặt ruộng.

Trừ hai giai đoạn là phân hóa đòng và trổ đòng, ruộng lúa sẽ được cho cạn nước, mặt nứt nẻ chân chim. Hiện kỹ thuật này đã được Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chuyển giao cho nông dân một số tỉnh thực hiện như Trà Vinh, Sóc Trăng.

Cùng với kỹ thuật canh tác lúa chịu hạn, đến nay, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa chịu, mặn.

Là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện có khả năng chịu mặn lên đến 4‰. Những dòng lúa triển vọng này được Viện phối hợp khảo nghiệm, đánh giá ở một số trung tâm giống tại các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng từ 6 đến 9 tấn/ha với chất lượng đạt yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa.

Đặc biệt, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai các chương trình nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa chịu mặn lên tới 6‰ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa và xuất khẩu.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Hà Tấn Việt cho biết, đã khuyến cáo người dân tại vùng sản xuất lúa nằm xa vùng tiếp nước ngọt, hoặc không có nguồn tiếp ngọt hạn chế xuống giống vụ Hè Thu và phải chờ mùa mưa bắt đầu mới xuống giống. Dự kiến vụ Hè Thu tại Sóc Trăng xuống giống khoảng giữa tháng 5 trở đi để tránh thiệt hại do thiếu nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, về lâu dài ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trong kế hoạch trung hạn 2016 – 2020, các công trình vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA phục vụ cho phòng chống hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Các dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đúng kế hoạch sẽ sớm hoàn thành; đồng thời, chuẩn bị đàm phán và triển khai thực hiện dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển sinh kế bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc xây dựng hệ thống cống khu vực An Minh – An Biên, hệ thống cống dự án bắc Bến Tre, Nam Măng Thít và khẩn trương chuẩn bị kỹ thuật các dự án tạo nguồn nước như cống Cái Lớn, cống Cái Bé cũng được quan tâm đặc biệt.

Giải pháp chuyển nước ngọt cho một số vùng ven biển có tiềm năng lớn như phía nam Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau nhằm hạn chế hút nước ngầm gây sụt lún được nghiên cứu; đồng thời, đầu tư xây dựng công trình phân ranh mặn ngọt chắc chắn cho các vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng; nghiên cứu giải pháp kênh trục dẫn ngọt trong bán đảo Cà Mau; bổ sung thêm các cống dọc theo các cửa sông nơi mặn 4g/l đã vượt qua; đề xuất giải pháp thay thế các cửa cống tự động bằng các cửa vận hành cưỡng bức tại một số cống lấy nước dòng chính, nhằm tranh thủ lấy ngọt khi điều kiện cho phép.

=>> Bài cuối: Liên kết, lồng ghép phát triển

=>> Bài 1: Nghèo trên vựa lúa

=>> Bài 2: Khát trên vùng sông nước

=>> Bài 3: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục