Học giả Australia nhìn nhận về một “trật tự thế giới mới”

06:03' - 04/02/2018
BNEWS Trật tự toàn cầu hình thành thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai không chỉ bị thách thức hoặc thay đổi mà dường như đã kết thúc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Diễn đàn Đông Á số mới ra có bài viết “Vị thế của Australia trong trật tự thế giới mới” của Allan Gyngell, Chủ tịch Viện nghiên cứu Australia về Quan hệ Quốc tế (AIIA).

Trong năm 2017, Chính phủ Australia đã thừa nhận rằng trật tự toàn cầu hình thành thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã không bị thách thức hoặc thay đổi mà nó dường như đã kết thúc.

Trật tự cũ chưa bao giờ có chức năng hoàn hảo, song nguyên lý trung tâm của nó lại luôn rất rõ ràng: giá trị quy chuẩn của nó (được quy định trong các văn bản như phần mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền) về mặt kinh tế và chính trị là cởi mở và tự do.

Các thể chế đa phương hiệu quả với thành viên toàn cầu sẽ kết nối các mối quan hệ gần gũi hơn. An ninh sẽ được củng cố bởi sự lãnh đạo và một mạng lưới liên minh của Mỹ. Thế giới đó không còn tồn tại nữa.

Khi nhà tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017, người ta biết rằng thế giới sẽ phải chứng kiến một phong cách lãnh đạo khác thường của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 

Những tiết lộ về cuộc đàm thoại đầu tiên của ông Trump với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và các đồng minh gần gũi khác của Mỹ đã cho thấy điều đó. Lợi ích của Australia và Mỹ trước đây thường rất khác nhau, nhưng sự khác nhau về các giá trị là bất thường. 

Trong những ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được thiết kế để hỗ trợ hệ thống thương mại mở mà chính nước Mỹ đã tạo ra. Sự ủng hộ của ông Trump đối với nhà nước pháp quyền cũng mơ hồ. Ông đã chỉ trích các đồng minh gần gũi và thất bại trong việc không bảo vệ các giá trị của nền dân chủ.

Bộ Ngoại giao Mỹ được dẫn dắt bởi một vị Ngoại trưởng thiếu sắc sảo. Trong các tổ chức đa phương, Mỹ đơn giản đang từ bỏ lĩnh vực này. Chính quyền Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đối Khí hậu và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). 

Mỹ cũng đang gây phương hại đến hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách phủ quyết các bổ nhiệm thẩm phán mới của WTO.

Rõ ràng, Chính phủ Mỹ sẽ hoạt động như vậy trong thời gian ba hoặc bảy năm dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngay cả khi điều đó xảy ra, kinh nghiệm này sẽ làm thay đổi căn bản nước Mỹ. Và biểu tượng chủ nghĩa quốc tế tự do của Mỹ không còn nữa.

Tương tự, những thay đổi đáng kể đã diễn ra tại Trung Quốc trong năm 2017. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 được tổ chức hồi tháng 10 năm ngoái đã củng cố vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo có quyền lực nhất trong đảng và chính quyền kể từ thời Mao Trạch Đông.

Năm 2017 cũng đánh dấu kết thúc quan điểm của Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc nên “giấu mình chờ thời”. Trung Quốc giờ đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đang cố gắng định hình thế giới bằng cách thiết lập các tổ chức mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và thúc đẩy các kế hoạch địa kinh tế thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Trung Quốc về biến đổi khí hậu và thương mại mở. Năm 2017 cũng là năm Thế giới phương Tây đã phải từ bỏ kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ dần dân chủ hóa khi nước này lớn mạnh.

Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á. Một số chính phủ Đông Nam Á, bao gồm cả ở Philippines và Campuchia, nằm dưới sự chi phối mạnh mẽ của Trung Quốc và có xu hướng trở nên độc tài.

Triều Tiên đã chính thức trở thành một cường quốc hạt nhân đầy đủ vào năm 2017. 20 vụ thử tên lửa (bao gồm cả các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân) đã đưa Bình Nhưỡng tới gần khả năng đe dọa lục địa nước Mỹ. 

Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất của Liên hợp quốc cũng như những lời lẽ khiêu khích của Tổng thống Trump trên mạng xã hội twitter đã không thể giúp gì để làm giảm nguy cơ tiềm ẩn nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.

Tại Trung Đông, những tin tức tốt lành khi cái gọi là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bật khỏi Iraq và Syria được cân bằng bởi những chia rẽ sâu sắc về lợi ích của người hồi giáo dòng Sunni và Shiai ở Yemen, Lebanon và Qatar. 

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp diễn ở châu Á. Australia đã hỗ trợ đào tạo và cung cấp thông tin tình báo cho các lực lượng chiến đấu Philippines ngăn chặn phiến quân nổi dậy thân IS ở miền Nam Mindanao. Những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố vẫn nằm ở khu vực Trung Đông, nhất là ở Tehran, Baghdad, Kabul, Syria và Ai Cập.

135 triệu người có nhu cầu được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo ở những nơi như Đông Phi, Hồ Chad, Yemen và Syria.

Gần hơn với Australia, 600.000 người Rohingya từ Myanmar chạy tị nạn sang Bangladesh. Trước bối cảnh đó, Sách trắng Đối ngoại Australia được công bố cuối năm 2017 đã mô tả một thế giới đầy bất ổn đe dọa đến lợi ích của Australia hơn bao giờ hết. Bản thân Australia cũng đang phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. 

Dữ liệu điều tra dân số được công bố hồi tháng 7/2017 cho thấy 28% dân số Australia được sinh ra ở nước ngoài - một con số cao hơn tại bất kỳ thời điểm nào trong vòng 120 năm qua. Sau tiếng Anh, các ngôn ngữ khác được sử dụng tại đất nước này là tiếng Quan Thoại, Arập, Quảng Đông và Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục