Hội nghị GMS 6 - CLV 10: Kết nối để cạnh tranh mạnh mẽ hơn

14:24' - 30/03/2018
BNEWS Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu và các doanh nghiệp tham gia phiên họp mở của Hội đồng Kinh doanh GMS thuộc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS.
Các đại biểu trao đổi bên lề phiên họp. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) đã chính thức khai mạc. Sự kiện được ghi nhận là có ảnh hưởng và tác động rất lớn tới sự phát triển 6 nước trong khu vực, bao gồm: Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Để có cái nhìn rõ hơn về triển vọng hợp tác trong khu vực; những sáng kiến và vai trò của Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu và các doanh nghiệp tham gia phiên họp mở của Hội đồng Kinh doanh GMS thuộc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS.

Ông Ros Seilava, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần này, lãnh đạo các nước đều có chung một thông điệp gửi tới hội nghị đó là cần có sự kết nối để cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Các nước thành viên cần bắt tay nhau để trở thành một cộng đồng hài hòa và mạnh mẽ.

Tôi nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo sẽ có những thông báo mạnh mẽ về tương lai, về những ưu tiên mà các nước trong khu vực nên nỗ lực thực hiện để đưa nền kinh tế phát triển.

Ông Htun Zaw, Phó vụ trưởng, Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar

Sáng kiến về Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS của Chính phủ Việt Nam là một ý tưởng rất đúng thời điểm và đúng trọng tâm, nhằm tạo ra cơ hội để lãnh đạo các nước trong khu vực được tiếp xúc với các doanh nghiệp tư nhân quan trọng. Cũng thông qua Diễn đàn, các nước chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm động lực mới nhằm phát triển kinh tế trong tương lai; cùng với đó là những chính sách kịp thời để bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Các nước trong khu vực GMS cần cùng nhau gìn giữ những giá trị hợp tác truyền thống, đồng thời phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tìm ra những bước đi mới. Các lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, tài chính điện tử,... đang mang lại cho các quốc gia nhiều cơ hội. Ngoài ra, các quốc gia GMS cũng có thể tận dụng lợi thế từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để tăng cường sự cạnh tranh của riêng mình và toàn khu vực.

Điều quan trọng để đi tới thành công chính là hợp tác chặt chẽ và phải có tầm nhìn chung hướng tới tương lai. Nhờ sự hợp tác, chúng ta sẽ đạt được những hiệu quả và tiến bộ vượt bậc.

Hội nghị của các quan chức cấp cao GMS lần này được chuẩn bị rất chu đáo. Ngày hôm nay, hy vọng các đại biểu sẽ thảo luận nhanh chóng và sớm hoàn tất Tuyên bố chung GMS 6.

Ông Dominic Mellor, Chuyên gia cao cấp về kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đầy đủ cho Hội nghị GMS 6 lần này. Tôi rất ấn tượng với Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ. Các doanh nghiệp tỏ rõ sự quan tâm với những vấn đề mà Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS đặt ra.

Tôi rất vui mừng khi thấy Chính phủ Việt Nam và các nước thuộc GMS đang và có nhiều nỗ lực hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển. Các nước trong khu vực cũng đang tạo cơ hội và những tiền đề tốt cho lớp các doanh nghiệp trẻ được khởi nghiệp.

Ông Dominic Mellor, Chuyên gia cao cấp về kinh tế của ADB tại Việt Nam. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Trong Kế hoạch chiến lược 5 năm của ADB tại Việt Nam, ADB sẽ ưu tiên một số vấn đề như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách tăng cường hợp tác chặt chẽ trong khu vực tư nhân; khuyến khích phát triển sự sáng tạo với các doanh nghiệp trẻ; ưu tiên cho các yếu tố đảm bảo sự phát triển bao trùm cho Việt Nam mà trong đó, tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi.

ADB cũng tập trung vào các vấn đề môi trường, vì ADB không những muốn Việt Nam phát triển mạnh mẽ mà còn phải bền vững. Chúng tôi mong muốn Việt Nam là một nước phát triển xanh.

Tôi đang phụ trách Chương trình Sáng kiến Kinh doanh khu vực Mekong–MBI của ADB với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc trong 3 năm qua. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp trẻ tài năng. Một trong số đó đã được chúng tôi hỗ trợ phát triển sản phẩm trên thị trường nội địa và cả ở một số quốc gia khác. Tôi đánh giá đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và một thị trường có nhiều cơ hội.

Ông Đào Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Sky Mond

Là một doanh nghiệp, chúng tôi rất mừng khi Chính phủ Việt Nam đã mở ra diễn đàn này để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trong khu vực GMS. Việt Nam có thế mạnh về phát triển du lịch và các nghề thủ công mỹ nghệ... nên sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường; trong đó, gồm cả các doanh nghiệp lớn lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Đào Văn Hùng, Tổng Giám đốc Sky-Mond. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Tùy từng doanh nghiệp sẽ có đường lối, chiến lược sản phẩm và những kế hoạch riêng nhưng nhìn chung sẽ mở ra thị trường mới và các doanh nghiệp đều hưởng lợi. Tuy nhiên, thách thức không phải không có và bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình./.

>> Doanh nghiệp khu vực GMS chia sẻ tầm nhìn phát triển, cơ hội kết nối trong tương lai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục