Indonesia tập trung phát triển giao thông thông minh

05:30' - 10/05/2018
BNEWS Giới chức Indonesia nhận ra cơn ác mộng giao thông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của Jakarta và đặt mục tiêu tăng tỷ lệ di chuyển công cộng từ 23% hiện nay lên 60% vào năm 2030.

No Title

Cơn ác mộng giao thông là mối đe dọa đối với hoạt động của Jakarta. Ảnh: Reuters

Theo bài viết đăng trên báo Jakarta Globe của tác giả Erich Gerber, thủ đô Jakarta của Indonesia với dân số 28 triệu người, là một trong số ít các thành phố lớn trên thế giới chưa có hệ thống đường cao tốc. Hệ thống xe buýt công cộng của thành phố chỉ đáp ứng được 400.000 người một ngày và đường dành cho xe buýt vào giờ cao điểm có nhiều đoạn còn bị xe cá nhân, xe công lấn chiếm.

Theo cơ quan Quản lý giao thông thủ đô Jakarta, thành phố hiện có gần 10 triệu phương tiện giao thông bao gồm: xe hơi, xe máy, xe tải và các loại phương tiện khác, trong số này có gần 2 triệu phương tiện đến từ các thành phố lân cận ở tỉnh Tây Java và Banten, điều này đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng trong nhiều năm qua.

Jakarta bị liệt vào danh sách là một trong những thành phố có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới, thống kê cho thấy 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là do xe cộ.

Các nhà chức trách đã nhận ra rằng cơn ác mộng giao thông của họ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của thành phố và đã đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ di chuyển bằng phương tiện công cộng từ 23% hiện nay lên 60% vào năm 2030.

Tuy nhiên, số lượng xe hơi cá nhân hiện nay của thủ đô Jakarta sẽ không thể giảm "một sớm một chiều" và thách thức đặt ra cho chính quyền thành phố là làm thế nào để quản lý và tích hợp vào hệ thống giao thông đô thị toàn diện. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi việc tích hợp cả dữ liệu vận tải công cộng và cá nhân để có một dữ liệu tổng hợp, toàn diện cho hệ thống giao thông đường bộ. 

Tài liệu được công bố trong dự án tại Sở Nghiên cứu và Quy hoạch đô thị của MIT cho thấy sự cần thiết phải kết nối mọi mạng lưới giao thông công cộng cũng như cấp dữ liệu về thời gian thực tế. Phân tích dữ liệu này có thể giúp tăng cường quản lý và điều tiết hệ thống giao thông một cách khoa học. Ví dụ như kế hoạch bảo trì xe để giảm thiểu sự cố.

Cung cấp thông tin, dữ liệu đối với các khu vực thường xuyên tắc nghẽn giao thông để có thể lên kế hoạch hoạt động của các tuyến xe buýt hiệu quả hơn, quản lý việc ùn tắc giao thông tại các điểm dừng chờ xe buýt, phân tuyến xe buýt hợp lý cho các tuyến đường đông khách.

Trên thực tế, các quốc gia khác đã sử dụng việc phân tích dữ liệu để quản lý hiệu quả các vấn đề giao thông công cộng. Singapore là một ví dụ cụ thể mà chúng ta có thể học tập về cách quản lý, vận hành hệ thống giao thông tốt nhất thế giới. Hệ thống này không những đang giảm bớt thách thức cho các cơ quan vận tải, các nhà cung cấp dịch vụ mà còn phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.

Theo một báo cáo của McKinsey & Company, việc thu thập và sử dụng thông tin một cách chiến lược có thể cải thiện dự báo và triển khai việc tham gia giao thông một cách hiệu quả hơn. Báo cáo trích dẫn một ví dụ thực tế từ Israel khi nước này xây dựng một làn đường cao tốc dài 21 km trên Quốc lộ 1 nối giữa Tel Aviv và Sân bay Ben Gurion.

Làn đường sử dụng hệ thống thu phí dựa trên lưu lượng xe tại thời điểm di chuyển. Hệ thống này hoạt động bằng cách đếm những chiếc xe trên đường; nó cũng có thể đánh giá lưu lượng xe để đưa ra khả năng dự báo về việc ùn tắc giao thông. Nếu mật độ giao thông cao, lộ phí sẽ cao; nếu có ít xe trên đường, lộ phí sẽ rẻ. Điều này không chỉ giúp điều chỉnh doanh thu phí lưu thông mà còn làm giảm ùn tắc.

Hà Lan cũng được đánh giá là một quốc gia thành công trong việc áp dụng phân tích dữ liệu lớn. Ngành đường sắt Hà Lan là một đơn vị điều hành hành khách đường sắt chính ở Hà Lan, nơi cung cấp dịch vụ đường sắt trong nước cũng như các dịch vụ quốc tế khi đến các nước khác ở châu Âu.

Việc vận hành mạng lưới đường sắt rộng lớn này đã giúp cho ngành đường sắt Hà Lan tiếp cận với lượng dữ liệu khổng lồ, thu thập thông qua công nghệ thông minh, hệ thống bán vé, thông tin du lịch theo dõi thời gian thực và dịch vụ cho nhân viên bảo trì và kiểm soát.

Đến thời điểm hiện tại, ngành đường sắt Hà Lan đã cung cấp tất cả công nghệ thông tin, vì vậy mỗi loại tàu đều có hệ thống thông tin riêng của mình. Trong tương lai, ngành đường sắt Hà Lan dự định tích hợp tất cả các thông tin để cung cấp dịch vụ đáng tin cậy và tốt hơn cho khách hàng. Chính vì vậy, có thể rõ ràng thấy rằng việc số hóa các mạng lưới cơ sở hạ tầng có thể cải thiện dự báo, thúc đẩy mức độ tin cậy và tăng hiệu quả.

Thách thức hiện nay với chính quyền Jakarta là triển khai và khuyến khích việc chia sẻ dữ liệu vận tải giữa tất cả các bên liên quan - các nhà khai thác vận tải, nhà cung cấp hệ thống và người dân. Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các giải pháp thiết thực để giảm ùn tắc, cải thiện thời gian chờ đợi và khắc phục sự bất tiện trong việc đi lại.

Sử dụng công nghệ trong lĩnh vực này sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân thủ đô Jakarta mà còn là phương tiện hỗ trợ quan trọng thúc đẩy vai trò của thành phố này trở thành một thành phố hàng đầu trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục