Lo ngại Mỹ" thất thế" có thể khiến ông Trump thay đổi lập trường về CPTPP

20:09' - 29/01/2018
BNEWS Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào ngày 25/1, Tổng thống Trump cho biết sẽ cân nhắc việc đưa Mỹ tham gia CPTPP trở lại nếu có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn đáng kể.
Lo ngại Mỹ" thất thế" có thể khiến ông Trump thay đổi lập trường về CPTPP. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Các chuyên gia về quan hệ Mỹ và châu Á cho rằng sự nhất trí mà Nhật Bản và 10 quốc gia còn lại đã ký Hiệp định Đối tác và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt được vào ngày 23/1 về việc thúc đẩy phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ dường như đã khiến ông Trump thay đổi lập trường về hiệp định này, do lo ngại Mỹ có thể "thất thế" nếu các nước khác đạt được các thỏa thuận thương mại.

Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 20/1 năm ngoái là rút Mỹ khỏi TPP do cho rằng hiệp định này làm mất việc làm của người Mỹ.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và trong năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã ủng hộ các thỏa thuận thương mại song phương hơn là các thỏa thuận đa phương như TPP như một cách để theo đuổi cái mà ông nói là thương mại công bằng và có lợi cho đôi bên trên tinh thần "Nước Mỹ trên hết".

Tuy nhiên, khi phát biểu trước truyền thông bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ vào ngày 25/1, ông nói sẽ cân nhắc việc đưa Mỹ tham gia CPTPP trở lại nếu có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn đáng kể.

Trong bài phát biểu ngày 26/1 tại hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp tại khu nghỉ dưỡng của Thụy Sỹ, ông nói sẽ để ngỏ khả năng thương lượng một hiệp định thương mại đa phương với các nước thành viên CPTPP nếu nó có lợi cho tất cả.

Theo nhà nghiên cứu của Viện Brookings ở Washington, Mireya Solis, khả năng 11 nước còn lại đạt được thỏa thuận cuối cùng đã ảnh hưởng đến lập trường của Mỹ, bởi không như đã được mặc định vào tháng 1/2017 là TPP sẽ thất bại khi không có Mỹ, các nước còn lại vẫn quyết tâm đưa hiệp định này về đích.

Dẫn các cuộc gặp giữa ông Trump và các nghị sỹ Mỹ, các thống đốc bang và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người cảnh báo Mỹ đang dần bị đứng ngoài các thỏa thuận thương mại như CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu, nhà nghiên cứu tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington, James Schoff, cho rằng diễn biến mới nhất về CPTPP là một phần lý do khiến ông Trump có những phát biểu tại Davos.

Một ngày sau khi 11 thành viên còn lại của TPP đạt được thỏa thuận, bao gồm một kế hoạch ký một thỏa thuận mới mà không có Mỹ vào ngày 8/3 tại Chile, nghị sỹ Cộng hòa Carlos Curbelo đã chỉ trích việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP, cho rằng, với việc không tham gia một hiệp định thương mại tự do lớn như vậy, ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội lớn để đảm những lợi ích của nước Mỹ sẽ được thúc đẩy và rất khuyến khích chính phủ xem xét lại quyết định về CPTPP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục