Malaysia dự kiến sẽ có sự điều chỉnh chính sách

06:30' - 21/06/2018
BNEWS Theo tờ Đông phương nhật báo, cùng với sự trở lại cầm quyền của Thủ tướng Mahahir Mohamad,chính sách ngoại giao của Malaysia dự kiến sẽ có sự điều chỉnh.
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Thái Thiên Cường, Phó Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) thuộc Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền, nhận xét rằng ban đầu đường lối của Najib Razak là thân Mỹ, tích cực tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sau này khi bê bối liên quan tới Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) vỡ lở, bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra, ông Najib không còn cách nào mới chuyển sang dựa vào Trung Quốc trong khi Trung Quốc cũng muốn cho vay những khoản tiền lớn. Vấn đề là không ai quan tâm Malaysia có trả được nợ hay không. Do vậy, chính phủ mới ở Malaysia sẽ tìm cách giảm vay nợ từ Trung Quốc.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị vì sự thay đổi (PKRU) của Malaysia, ông Vương Duy Hưng, cho biết thêm cùng với bê bối tham nhũng, do quản lý không tốt, Quỹ 1MDB gánh một khoản nợ lớn.

Với vai trò cố vấn của Quỹ 1MDB, ông Najib đành phải nhờ tới dòng vốn từ Trung Quốc để giải quyết khó khăn. Quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc dưới thời Najib làm Thủ tướng đã bùng nổ, đặc biệt là về đầu tư và thương mại.

Tuy nhiên, sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, Mahahir Mohamad đã nhanh chóng thực hiện những cam kết đưa ra lúc tranh cử của PH.

Cùng với việc tạm dừng dự án đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur với Singapore (HSR), chính phủ mới ở Malaysia còn xem xét lại một loạt dự án lớn không cần thiết, bao gồm cả dự án đường sắt kết nối khu vực bờ biển phía Đông (ECRL) do Trung Quốc đầu tư.

Trong cuộc đối thoại với phóng viên tại Câu lạc bộ báo chí Nhật Bản nhân chuyến thăm dự Hội nghị Tương lai châu Á mới đây, Mahathir Mohamad cho biết chính phủ tiền nhiệm đã mạnh tay vay tiền cho nhiều dự án lớn và chính Trung Quốc là nước muốn cho vay những khoản tiền lớn.

Tuy nhiên, cũng trong chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản, khi gặp Thủ tướng Shinzo Abe, ông Mahathir lại đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Malaysia những khoản tín dụng bằng đồng yên. Việc Mahathir Mohamad chọn Nhật Bản là nơi tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng cho thấy rõ quyết tâm của ông trong việc hồi sinh chính sách "Hướng Đông".

Nhật Bản và Trung Quốc bề ngoài là cạnh tranh nhưng bên trong lại ngầm đấu tranh với nhau. Những động thái trên khiến người ta có cảm giác dưới sự lãnh đạo của Mahathir, quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc có thể sẽ dần dần “đóng băng”.

Quả thật, trong thời gian ông Mahathir làm Thủ tướng lần đầu tiên (1981-2003), cùng với chính sách "Hướng Đông", quan hệ giữa Malaysia và Nhật Bản đã có bước phát triển vượt bậc. Khi đó, kinh tế Nhật Bản đang bùng nổ, trở thành nước đứng đầu ở châu Á, còn kinh tế Trung Quốc vẫn trong giai đoạn chuyển động.

Tuy nhiên, hiện nay, khi Mahathir trở lại làm Thủ tướng lần thứ 2, thế giới bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc đã trỗi dậy, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, tiếng nói trên trường quốc tế ngày càng có trọng lượng, còn kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Việc chính sách "Hướng Đông" sẽ thích ứng như thế nào với tình hình mới vẫn cần phải quan sát.

Là một chính trị gia thực dụng, người ta cho rằng ông Mahathir sẽ nhìn thấy rõ sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Việc ông Mahathir sau khi thắng cử tuyên bố ủng hộ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cho thấy việc làm ngưng trệ quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tuyệt đối không phải là “di sản chính trị” mà ông Mahathir muốn để lại trong lần làm Thủ tướng Malaysia lần thứ 2.

Do vậy, chính phủ của PH sẽ tiếp tục giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, nhưng sẽ không thân với Trung Quốc như dưới thời Najib và cũng không ra sức thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Phương thức quan hệ với Trung Quốc dự kiến cũng sẽ thay đổi. Trong khi đó, quan hệ giữa Malaysia và Nhật Bản sẽ trở nên mật thiết hơn so với thời chính phủ tiền nhiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục