Nguyên nhân Chính phủ Mỹ ném “phao cứu sinh” cho Freddie và Fannie

06:30' - 12/12/2017
BNEWS Đây được coi là vụ can thiệp vào doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ, đánh dấu bước tiến của các nhà chức trách trong việc hỗ trợ thị trường địa ốc, tài chính của nước này và trên toàn cầu.
Số tiền Chính phủ Mỹ bỏ ra để cứu vãn hai ông trùm cho vay Freddie và Fannie tương đương với kế hoạch giải cứu đại gia AIG. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2008, cuộc khủng hoảng nhà đất được cho là tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II đã lan rộng sang thị trường tài chính rồi tới nền kinh tế toàn cầu.

Sự suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ với “thủ phạm” được nhắc đến nhiều nhất là các khoản cho vay dưới chuẩn (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ để trả nợ).

Cú sốc đầu tiên của cuộc khủng hoảng này được ghi dấu vào ngày 7/9/2008, khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae đã buộc phải được giải cứu để tránh nguy cơ phá sản.

Chính phủ Mỹ đã bất ngờ chi ra gần 190 tỷ USD để đoạt quyền kiểm soát của hai ngân hàng kinh doanh bất động sản lớn nhất thế giới này.

Thời hoàng kim

Freddie Mac và Fannie Mae là tên gọi tắt của của Hiệp hội vay thế chấp quốc gia – FNMA và Tập đoàn vay mua nhà trả góp liên bang – FHLMC.

Fannie Mae thành lập từ năm 1938, để hỗ trợ những hộ gia đình không đủ khả năng mua nhà hoặc có nguy cơ mất nhà do thiếu nguồn tài trợ vay vốn, trong khi Freddie Mac được thành lập năm 1970, nhằm tạo thế cạnh tranh với Fannie Mae.

Thực chất, Fannie Mae và Freddie Mac là các định chế tài chính được chính phủ bảo trợ (GSE) chuyên mua các khoản vay mua nhà trả góp từ ngân hàng và các hãng cho vay khác rồi bán lại cho các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp.

Tuy là GSE song Fannie Mae và Freddie Mac vẫn phải cạnh tranh giống như những doanh nghiệp tư nhân khác để duy trì giá cổ phiếu của mình.

Trong khi đó, chính phủ liên bang cũng ngầm đảm bảo giá trị của những khoản thế chấp mà họ bán lại trên thị trường thứ cấp. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến họ chấp nhận rủi ro lớn hơn để kiếm lời, một phần vì hai “ông lớn” này biết rằng mình có thể "được cứu" nếu thị trường trở nên tồi tệ hơn.

Fannie Mae và Freddie Mac có hơn 10.000 nhân viên, là trụ cột của toàn bộ hệ thống cho vay mua nhà trả góp ở Mỹ. Hàng năm, hai tập đoàn này hỗ trợ đến phân nửa toàn bộ khoản vay mua nhà trả góp mới tại Mỹ, tương đương khoảng 5.500 tỷ USD trong tổng số 11.200 tỷ USD của thị trường vay nợ mua nhà.

Đến tháng 12/2007, khi các ngân hàng bắt đầu siết chặt hoạt động tín dụng, số khoản vay mua nhà trả góp mà Fannie Mae và Freddie Mac chịu trách nhiệm đã lên đến khoảng 90%.

Mặc dù quy định chính phủ không cho phép Fannie Mae và Freddie Mac mua những khoản vay trả góp có tính rủi ro cao, nhưng khi điều kiện thị trường thay đổi thì hoạt động của hai tập đoàn này cũng thay đổi theo.

Trong khoảng thời gian từ năm 2004-2007, Fannie và Freddie đã thu về ít khoản vay thông thường với mức lãi suất cố định 20% hơn mà thay vào đó, họ chấp nhận mua những khoản vay dưới chuẩn, những khoản vay chỉ trả lãi hoặc những khoản vay trả nợ âm (tiền trả hàng tháng dùng để trả lãi chứ không để trả tiền gốc).

Đỉnh điểm là hồi năm 2004, khi hai “đại gia” này đã mua đến 175 tỷ USD những khoản vay dưới chuẩn, chiếm đến 44% thị trường và ghi dấu mức tăng 116% so với hồi năm 2003.

Tình hình càng trở nên tồi tệ khi họ sử dụng các công cụ phái sinh để đảm bảo cho những rủi ro về lãi suất trong danh mục đầu tư của mình. Kết quả là những khoản thế chấp độc hại và dưới chuẩn này đã đưa Fannie Mae và Freddie Mac vào thế “gậy ông đập lưng ông”.

Chuyện gì đến cũng đến

Năm 2007, chỉ có khoảng 17% tổng danh mục đầu tư của Freddie Mac và Fannie Mae là dưới chuẩn hoặc được xếp hạng Alt-A (giữa mức “chuẩn” và “dưới chuẩn”).

Đến khi thị trường nhà đất Mỹ xuống dốc thê thảm do hậu quả của bong bóng nhà đất, con số 17% này đã nhanh chóng được chuyển hóa thành 50% trong tổng số nợ không thể thu hồi.

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 9% chủ sở hữu nhà ở Mỹ không trả được tiền vay mua nhà đúng hạn, thậm chí nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bị siết nợ, mất nhà trong khi giá nhà ở Mỹ tại các khu vực thành thị lớn giảm mạnh, khiến nhiều gia đình bị đổ nợ lớn vì giá nhà trên thị trường thấp hơn khoản vay mua nhà của họ.

Khi đó, với tư cách là nhà bảo lãnh mua nhà trả góp, tất nhiên Freddie Mac hoặc Fannie Mae sẽ phải đứng ra chi trả, và điều này đã đưa hai đại gia GSE vào thời kỳ đen tối.

Cổ phiếu của Freddie Mac và Fannie Mae bắt đầu sụt giá thảm hại. Nếu tính trong giai đoạn từ tháng 1/2007 đến tháng 7/2008, trên thị trường chứng khoán New York, cổ phiếu của hai tập đoàn đã giảm đến hơn 80%. Năm 2007, tổng lỗ ròng của cả Freddie Mac và Fannie Mae lên đến 14,9 tỷ USD.

Lúc này, chỉ cần hoặc Freddie Mac hoặc Fannie Mae sụp đổ sẽ gây tác động dây chuyền nghiêm trọng cho hàng loạt ngân hàng và nhà đầu tư trên toàn cầu.

Do đó, Chính phủ Mỹ không thể chấp nhận việc Freddie Mac hoặc Fannie Mae bị phá sản và quyết định can thiệp bằng cách đặt Fannie Mae và Freddie Mac dưới quyền quản trị của Liên bang nhằm đảm bảo thu chi cân bằng và an toàn cho hoạt động tín dụng.

Kế hoạch cứu vãn hai “ông trùm” cho vay nước Mỹ được thực hiện vào ngày 17/9/2008 và “ngốn” của chính phủ khoản tiền lên đến 187,5 tỷ USD, biến đây trở thành vụ can thiệp vào doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của nước Mỹ.

Số tiền này thậm chí còn lớn hơn “mức giá” 124 tỷ USD mà nước Mỹ đã bỏ ra trong Cuộc khủng hoảng tín dụng Hoa Kỳ hồi năm 1989, và tương đương với kế hoạch cứu trợ tiếp theo của AIG, bắt đầu từ 85 tỷ USD nhưng sau đó đã tăng lên 150 tỷ USD.

Cái bóng quá lớn

Nhìn lại thì có vẻ như quyết định của Chính phủ Mỹ là bất đắc dĩ, vì tình thế bắt buộc khi Fannie Mae và Freddie Mac chiếm tới 50% tín dụng địa ốc của cả nước.

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra đó là vào thời điểm ấy, tình trạng của Freddie Mac và Fannie Mae có thật sự nghiêm trọng đến mức phải cần viện đến cứu trợ của chính phủ không hay thực chất đây chỉ là một chiêu trò kế toán?

Có ý kiến cho rằng thông qua việc được giải cứu, cả hai GSE này đã trở thành một công cụ để chính phủ giải cứu cho các ngân hàng lớn, đồng thời khôi phục niềm tin đối với hệ thống ngân hàng.

Với chiếc “phao cứu sinh” từ chính phủ, Freddie Mac hoặc Fannie Mae được tiếp tục hoạt động và có nhiệm vụ sử dụng ngân quỹ của chính phủ để giải cứu những ngân hàng được cho là “quá lớn để sụp đổ” bằng cách mua lại nợ xấu của những ngân hàng này, giúp họ phục hồi, đồng thời “xóa đi” những khoản lỗ trong báo cáo tài chính của chính mình.

Một diễn biến có thể phần nào khẳng định thêm nghi vấn này đó là kể từ sau cuộc giải cứu lịch sử vào năm 2008, Freddie Mac và Fannie Mae đã chứng minh “sức đàn hồi” của mình và hoàn trả được 266 tỷ USD (tính đến năm 2017).

Số tiền này thậm chí còn lớn hơn số tiền mà hai tập đoàn nhận được từ Chính phủ Mỹ khi đó là 187,5 tỷ USD, nhưng họ vẫn phải tiếp tục đóng góp 100% lợi nhuận về Bộ Ngân khố Mỹ và cho đến nay, dù đã nhiều năm trôi qua, song Quốc hội vẫn chưa có ý định tháo gỡ chiếc “vòng kim cô” cho cặp đôi này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục