Những yếu tố ảnh hưởng đến hợp tác EU-Ấn Độ

05:30' - 12/03/2018
BNEWS Sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Ấn Độ đang đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh sự hợp tác không cân xứng của phần lớn những người chơi trong hệ thống quan hệ quốc tế.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết đăng trên trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế mới đây, để mở rộng hợp tác Ấn Độ-Liên minh châu Âu (EU), cần giải quyết những thách thức bên trong EU như việc Anh rời khỏi EU (Brexit), vấn đề di cư, khủng hoảng kinh tế trong khu vực đồng euro, sự cải cách chính trị trong các tổ chức của EU.

Thứ hai, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực để duy trì vị thế của nước này với tư cách lãnh đạo toàn cầu duy nhất.Tuy nhiên, thời gian đã thay đổi, những thách thức toàn cầu mới nảy sinh và có quy tắc mới cho "trò chơi". Trung Quốc, Ấn Độ, một loạt quốc gia Tây Âu và các quốc gia Mỹ Latinh không hài lòng với tình hình quốc tế hiện nay.

Thứ ba, chính sách của Trung Quốc hiện nay ảnh hưởng đến việc củng cố hợp tác giữa EU-Ấn Độ. Trung Quốc không cố gắng để có được sự hợp tác với Ấn Độ, giống như đối với Pakistan và thậm chí là Bangladesh, trong dự án địa chiến lược “Con đường Tơ lụa mới” của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Mỹ - đối thủ chính trị lớn nhất của Trung Quốc - thúc đẩy việc xích lại gần Ấn Độ. Điều này có thể thấy rõ qua các tuyên bố song phương cũng như các hiệp định và thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ được ký kết trong vài năm trở lại đây.

Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Một bước tiến nữa trong tiến trình xích lại gần nhau của hai nước là việc ký kết thỏa thuận lớn về hợp tác quân sự-kỹ thuật Mỹ-Ấn vào năm 2015, mở ra khả năng vũ khí và kỹ thuật quân sự Mỹ được tiếp cận thị trường Ấn Độ và làm lu mờ vai trò cung cấp vũ khí của Nga cho nước này.

Hồi năm 2016, hai bên đã ký kết thỏa thuận “Lemo”, qua đó Mỹ và Ấn Độ đã trở thành đồng minh quân sự.Hơn nữa, ông Modi tuyên bố rằng Chính phủ Ấn Độ cần phải coi Mỹ như đối tác then chốt đối với sự chuyển đổi kinh tế-xã hội của Ấn Độ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ lần thứ 13 diễn ra vào ngày 30/3/2016 tại Brussels (Bỉ), trước sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Modi, Chương trình hành động EU-Ấn Độ tới năm 2020 đã được thông qua với tên gọi “Lộ trình”.

Chương trình bao gồm những hành động thiết thực trong giai đoạn 5 năm tiếp theo về các vấn đề chính trị và an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu (biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự trong lĩnh vực phát triển bền vững 2030), hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và môi trường (các dự án chung về phát triển bền vững), mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, cũng như củng cố mối quan hệ giữa EU và Ấn Độ.

Với sự tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học ổn định, Ấn Độ đang là một đối tác chất lượng đối với các quốc gia EU. Ấn Độ thu được lợi ích kinh tế không chỉ nhờ vào việc phát triển công nghiệp, dược phẩm và công nghệ thông tin mà phần lớn công dân nước này đều dưới 30 tuổi. Theo các số liệu khác nhau, lứa tuổi thanh niên của quốc gia này đang chiếm khoảng 60-70% và điều này tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo ý kiến của chuyên gia, tiềm năng của Ấn Độ hiện nằm ở đỉnh chóp: “Ấn Độ hiện có dân số nhiều gấp 2 lần EU. Ấn Độ có hơn 1 tỷ dân và đang là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới: 70% dân số dưới 30 tuổi. Ấn Độ là cường quốc hạt nhân, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh thông qua việc phát triển các ngành dịch vụ và công nghệ thông tin hiện đại.

Xuất khẩu công nghệ thông tin đạt 14%. Sản xuất công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ chiếm 1/4 các loại thuốc trên thế giới. Ấn Độ tăng cường tiềm lực công nghiệp quân sự dựa trên sự tiến bộ nhanh chóng của nền kinh tế và sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để cải tiến vũ khí”.

Mối quan hệ giữa EU và Ấn Độ đang phát triển một cách tích cực.Tuy nhiên, hai bên vẫn có những quan điểm không đồng thuận. Cụ thể, hầu hết các nước Tây Âu đều lên án Chính phủ Ấn Độ về các vấn đề giai cấp, tôn giáo và giới tính.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên EU cũng có những phản ứng tiêu cực đối với tình trạng vi phạm nhân quyền ở Ấn Độ, những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết giữa Ấn Độ-Pakistan và Ấn Độ-Trung Quốc cũng như việc Ấn Độ không tuân thủ các hiệp định về cắt giảm khí thải CO2 vào khí quyển.

Chính phủ Ấn Độ không chấp nhận sự can thiệp của các quốc gia nước ngoài vào quan hệ Ấn Độ-Pakistan, đặc biệt là nếu việc đó liên quan đến các bất đồng giữa hai nước về vấn đề lãnh thổ. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ bày tỏ sự không hài lòng khi một vài quốc gia EU đã hỗ trợ quân sự và kỹ thuật quân sự cho Pakistan cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung với quốc gia này. Nhưng nhìn chung trong nhiều vấn đề thì EU và Ấn Độ đều đang có động lực tích cực để phát triển.

Điều gì sẽ chờ đợi sự hợp tác tiếp theo giữa EU và Ấn Độ? Có vẻ như một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác EU-Ấn Độ. Có thể kể đến chính sách đối ngoại của Anh đang ngày càng trở nên độc lập bởi vì nước này sẽ chính thức rời khỏi EU vào năm 2019.

Do đó, quan hệ giữa Anh và Ấn Độ sẽ được xây dựng mà không tính đến các lợi ích của các quốc gia thành viên EU. Ngoài ra, Anh đang có mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ và coi nước này là lợi ích chính trị và kinh tế của mình.

Mặt khác, Chính phủ Mỹ cũng có lợi ích riêng trong phát triển hợp tác với Ấn Độ. Có thể nói từ khía cạnh địa chính trị, Ấn Độ sẽ được coi là đối trọng "nặng ký" của Trung Quốc và Nga. Tính đến các tiềm năng của Ấn Độ, Nga mong muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị bền vững với đối tác chiến lược tự nhiên của mình, cả trong lĩnh vực nhân đạo, kinh tế, cũng như ngành công nghiệp quân sự.

Các nước thành viên EU như Đức, Pháp, Bỉ sẽ cố gắng nhiều nhất có thể để lôi kéo Ấn Độ vào các dự án nhân đạo, kinh tế và chính trị chung để tạo điều kiện củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và EU trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục