Phát triển mô hình "holdings" trong công ty nhà nước tại Indonesia

05:30' - 23/12/2017
BNEWS Chính phủ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã bắt đầu thành lập các công ty "holdings" với quy mô lớn và tính cạnh tranh cao như các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Nusa Dua trên đảo Bali ngày 8/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Thuật ngữ công ty "holding" được sử dụng để ám chỉ các công ty chuyên nắm giữ cổ phần đầu tư của công ty khác mà không tiến hành hoạt động sản xuất hay kinh doanh trực tiếp.

Theo bài viết đăng trên “Jakarta Post” của tác giả Kyunghoon Kim thuộc trường King’s College London, Bộ các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia hồi cuối năm 2015 đã báo cáo với Tổng thống và Hạ viện về kế hoạch thành lập 16 công ty nhà nước theo mô hình "holdings".

Thông qua kế hoạch này, chính phủ đặt mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp của Indonesia trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới tính theo doanh số do tạp chí Fortune biên soạn, từ 2 công ty vào năm 2015 lên 6 công ty vào năm 2019.

Hợp tác cùng có lợi

Các doanh nghiệp nhà nước hiện tại có thể hoạt động như các công ty mẹ của các doanh nghiệp nhà nước khác, hoặc các công ty "holdings" mới có thể được thành lập để nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước tùy theo hoàn cảnh.

Quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước sẽ được chuyển giao cho từng công ty "holdings" trực thuộc Bộ các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia, do đó sẽ do chính phủ sở hữu hoàn toàn.

Tháng 8 năm ngoái, Bộ các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia đã đề xuất thiết lập các công ty "holdings" trong sáu lĩnh vực tiềm năng. Bộ dự kiến thành lập các công ty Pertamina (dầu khí), Inalum (khai thác mỏ), Hutama Karya (đường thu phí và xây dựng cơ sở hạ tầng), Perumnas (xây dựng nhà ở), Danareksa (dịch vụ tài chính) và Bulog (thực phẩm) để nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khác trong ngành của họ.

Ngoài ra, các công ty "holdings" thuộc các ngành khác cũng đang được xem xét, như đóng tàu và sản xuất thiết bị nặng, vận tải hàng hải, dược phẩm và bảo hiểm.

Mục đích của kế hoạch là giúp các doanh nghiệp nhà nước “góp gạo thổi cơm chung”. Chính phủ mong muốn việc sáp nhập hoặc hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm sự trùng lặp và phân tách cũng như tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn.

Pertamina thông báo việc sáp nhập công ty con Pertamina Gas (Pertagas) với Perusahaan Gas Negara (PGN) sẽ nâng cao hiệu quả trong sử dụng vốn, giúp tiết kiệm ít nhất 1,6 tỷ USD trong đầu tư.

Chính phủ Indonesia cũng kỳ vọng vào việc tăng cường khả năng vay vốn và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thông qua các công ty "holdings". Giới chức nước này tin tưởng rằng kế hoạch trên sẽ cho phép các doanh nghiệp nhà nước tăng cường đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong khi hạn chế sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, khi một công ty "holdings" được thành lập trong ngành khai khoáng, giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước hợp nhất dự kiến sẽ tăng từ 65.600 tỷ rupiah (4,9 tỷ USD) lên 182.000 tỷ rupiah chủ yếu thông qua việc tăng các đòn bẩy tài chính. Sau 5 năm thành lập, con số trên dự kiến sẽ tăng lên 270.500 tỷ rupiah (19,9 tỷ USD).

Các nỗ lực của Indonesia trong việc thành lập công ty "holdings" trong từng lĩnh vực của nền kinh tế đã bắt đầu được triển khai từ những năm 1980, nhưng hiện nay chỉ có bốn công ty thuộc mô hình này (phân bón, xi măng, trồng rừng và lâm nghiệp). Việc tái cơ cấu các công ty này đã tốn quá nhiều thời gian do rào cản hành chính, xung đột pháp lý và mâu thuẫn giữa các bên nắm giữ cổ phần.

Kế hoạch mà Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy hiện tại có thể cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành không chỉ bởi nó bao quát và toàn diện hơn trước đây mà do nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được niêm yết một phần cổ phần trên sàn chứng khoán và do đó nhà nước cần tham vấn ý kiến cổ đông tư nhân trước khi dự án này được thực hiện.

Môi trường ngày càng cạnh tranh

Bài viết cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước tận dụng thời điểm này. Trong khi chính phủ tập trung xây dựng các chiến lược chi tiết và chuẩn bị cơ sở pháp lý cần thiết, các doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục rà soát lại quy mô và hoạt động của mình trước khi thành lập công ty "holdings".

Thông qua một quá trình thử nghiệm và hạn chế sai sót, các doanh nghiệp nhà nước có thể xác định những lĩnh vực hợp tác, t́m ra các nút thắt trong quá tŕnh “góp gạo thổi cơm chung” này và điều chỉnh các ước tính về chi phí sau khi sáp nhập.

Về vấn đề này, các công ty nhà nước trong một số ngành công nghiệp đang đi đúng hướng. Vào tháng 12/2015, bốn ngân hàng nhà nước đã kết nối hệ thống các máy rút tiền tự động (ATM) và mạng lưới của mình. Khách hàng có thể sử dụng bất kỳ máy ATM nào do nhóm này quản lý mà không phải trả thêm phí.

Các ngân hàng nhà nước này cũng đã phát triển một hệ thống công nghệ thông tin tích hợp mà có thể đọc tất cả các loại thẻ trả trước (prepaid card) hoặc thanh toán trực tuyến do bốn đối tác này phát hành. Các chiến lược này cho phép các doanh nghiệp nhà nước ước tính chi phí hợp nhất và phân tích những ảnh hưởng của các nỗ lực hội nhập đối với hiệu quả hoạt động.

Một số doanh nghiệp nhà nước cũng đã thành lập các liên doanh hoặc liên kết để thực hiện những dự án quy mô lớn. Những nỗ lực này cho phép họ thử nghiệm khả năng phối hợp hoạt động kinh doanh. Ví dụ, Hutama Karya, Waskita Karya và Jasa Marga có kế hoạch thành lập liên doanh và hợp tác trong việc xây dựng một đoạn đường thu phí nằm ở phía Đông đảo Sumatra.

Một số doanh nghiệp nhà nước thì lựa chọn việc sáp nhập chức năng quản lý điều hành nhằm chuẩn hóa hoạt động và tổ chức lại danh mục đầu tư kinh doanh trước khi củng cố quyền sở hữu.

Ví dụ, quyền quản lý hoạt động của công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú thuộc sở hữu nhà nước Hotel Indonesia Natour, và Patra Jasa và Aerowisata - các công ty con lần lượt thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina và hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, đã được hợp nhất dưới tên của tập đoàn Hotel Indonesia (HIG) vào năm 2016.

Sau đó, các khách sạn thuộc sở hữu của hai doanh nghiệp nhà nước khác cũng đã tham gia vào HIG, giúp tăng số lượng khách sạn của tập đoàn này lên con số 36. Dự kiến, ít nhất 97 khách sạn thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước khác sẽ gia nhập trong tương lai.

Các doanh nghiệp nhà nước cũng cần lưu ý rằng môi trường cạnh tranh sẽ ngày càng khắc nghiệt trong tương lai.

Chính quyền của Tổng thống Jokowi đang hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước để dẫn dắt sự phát triển kinh tế trong một số ngành nhất định như cơ sở hạ tầng, nhưng đồng thời lại đang áp dụng các chính sách tự do hóa trong các lĩnh vực khác.

Thêm vào đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang phản đối sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế và gây áp lực cho chính phủ trong việc kiến tạo một sân chơi bình đẳng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục