Quan hệ Nga-Anh: Từ xung đột đối ngoại đến khí đốt

06:02' - 27/03/2018
BNEWS Quan hệ Nga và Anh hiện đang căng thẳng do những cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái Yulia của ông này tại thành phố Salisbury ở Anh.

No Title

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố muốn giảm sự phụ thuộc của Anh vào khí đốt Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Cáo buộc Nga đầu độc cựu nhân viên tình báo Skripal bằng vũ khí hóa học – chất độc Novichok, London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Đáp trả, Bộ Ngoại giao Nga cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.

Theo bài viết đăng trên trang gazeta.ru, việc chuyển xung đột đối ngoại sang bình diện khí đốt đã trở thành truyền thống. Lần này, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố muốn giảm sự phụ thuộc của Anh vào khí đốt Nga. Đáp lại, Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksander Novak cho rằng một nhà cung cấp mới sẽ là thiệt hại cho người tiêu dùng vì “điều kiện của họ sẽ không ưu đãi và có lợi như điều kiện của Nga”.

Tuy nhiên, Anh có sự ủng hộ của Mỹ ở đằng sau. Trước đây, Washington đã nêu ra ý định phản đối tuyến đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga sang châu Âu và tuyên bố muốn tăng thị phần khí đốt của mình trên thị trường châu Âu.

Hiện Anh đứng thứ 3 ở Tây Âu về lượng khí đốt mua của Nga. Năm 2017, theo số liệu của “Gazprom-export”, Anh nhập trên 16 tỷ m3 khí đốt, tương đương 23% tổng lượng thu nhập “vàng xanh” của cả vương quốc này. Con số trên cao hơn Áo (9,14 tỷ m3), Pháp (12 tỷ m3), tuy vẫn ít hơn Đức (53,4 tỷ m3) hay Italy (23,8 tỷ m3).

Ngoài ra, năm 2018, Anh đã nhập ba lô khí đốt hóa lỏng từ nhà máy sản xuất khí hóa lỏng Yamal LNG của Nga. Về lý thuyết Anh có thể giảm thị phần của các doanh nghiệp khí đốt Nga tại thị trường trong nước, tuy nhiên khi tiêu thụ của đất nước này tăng lên hàng năm, khí đốt Nga sẽ vẫn vào Anh, song sẽ đi từ châu Âu.

Hiện tại nhu cầu tiêu thụ của Anh ở mức 70 tỷ m3 mỗi năm, còn khai thác trong nước chỉ đáp ứng 49% nhu cầu. Khí đốt hóa lỏng mới chỉ chiếm 8% thị trường và trong điều kiện kinh tế như hiện nay, người dân Anh khó có thể chi trả giá cao cho khí đốt hóa lỏng chỉ vì xung đột ngoại giao với Nga.

Theo số liệu của Bộ phát triển kinh tế Nga, năm 2017 kim ngạch thương mại Nga-Anh tăng 22,7% so với năm 2016, đạt 12,7 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu nguyên liệu từ Nga (4,5 tỷ USD) chiếm trên một nửa giá trị xuất khẩu 8,6 tỷ USD từ Nga sang Anh. Nga xuất khẩu sang Anh sản phẩm khoáng sản, gỗ, kim loại, kim loại quý, sản phẩm kim loại, sản phẩm hóa chất, máy và thiết bị.

Kim ngạch nhập khẩu từ Anh vào Nga đạt trên 4 tỷ USD năm 2017. Nga nhập từ “xứ sở sương mù” hàng lương thực và nguyên liệu nông nghiệp, hàng may mặc, sản phẩm kim loại v.v.

Nếu xung đột giữa hai nước dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế, Anh có thể hạn chế các doanh nghiệp của mình mua tài sản của Nga.

Tuy nhiên, chỉ mới tuần trước, ngay khi vụ việc mới xảy ra, sàn giao dịch London và Paris Gazprom đã chứng kiến việc bán thành công số trái phiếu châu Âu trị giá 750 triệu euro cho 120 nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư từ Anh, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Bài báo kết luận rằng, nếu áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế, Anh sẽ chỉ tự “hại mình”, các nhà đầu tư châu Á luôn sẵn sàng thế chỗ họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục