Quan hệ ngoại giao Mỹ - Nga sẽ đi về đâu?

06:30' - 22/09/2017
BNEWS Tờ Kommersant cho rằng đòn "trả đũa ngoại giao" giữa Washington và Moskva có thể chưa dừng lại bởi nguồn tin ngoại giao Nga đã tiết lộ hạn chế mà các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga có thể đối mặt.

No Title

Quan hệ ngoại giao Mỹ - Nga sẽ đi về đâu? Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, Mỹ khó có thể tránh được việc phải cắt giảm 155 nhân viên ngoại giao đang có mặt ở Moskva với 3 lý do sau:

Thứ nhất, Nga có thể hạn chế số cửa khẩu nhập cảnh tại Nga mà các nhà ngoại giao Mỹ có thể sử dụng. Việc quy định cửa xuất nhập cảnh đối với các nhà ngoại giao vốn được áp dụng từ lâu giữa Nga và Mỹ. Danh sách các cửa khẩu được phép xuất nhập cảnh được ghi trong thị thực hoặc được in dấu riêng trong hộ chiếu. 

Nếu nhân viên ngoại giao muốn đi qua cửa khẩu khác, họ sẽ phải xin phép chính quyền địa phương ở nơi đó. Trên lãnh thổ Mỹ, các cửa khẩu đó gồm Washington, New York, Miami và Chicago, cộng thêm một số cửa khẩu đường bộ. Còn tại Nga, các cửa khẩu "mở" cho nhân viên ngoại giao Mỹ gồm Moskva, Saint-Petersburg, Vladivostok và một số điểm khác. Tổng số cửa khẩu này tại Nga đang nhiều hơn số cửa khẩu Mỹ giành cho các nhà ngoại giao Nga.

Thứ hai, Nga có thể giảm số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ được quyền tự do đi ra bên ngoài khu vực quy định giành riêng cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài. Hiện tại, đối với các cán bộ ngoại giao cấp thấp và cấp trung của Nga làm việc tại Mỹ, bán kính khu vực này là 25 dặm (40 km).

Còn các nhân viên ngoại giao cấp từ Tham tán trở lên thì được đi lại tự do. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga. Tuy nhiên, phía Nga hiện đang cho rằng số lượng nhân viên ngoại giao cấp cao này của Mỹ đông hơn của Nga nên không bảo đảm được "nguyên tắc đồng đẳng".

Thứ ba, các đại diện ngoại giao Mỹ tại Moskva và các thành phố khác có thể sẽ bị "cắt" chế độ chỗ đỗ xe miễn phí với lý do các xe ngoại giao của Nga tại Mỹ không được hưởng chế độ này.

Trong lúc này, chính quyền Nga vẫn luôn khẳng định chỉ đáp lại các biện pháp thiếu thân thiện từ phía Washington và không mong muốn siết chặt thêm vòng xoáy leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương. Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cam kết rằng Moskva sẽ không phá vỡ bất kỳ một kênh liên lạc nào với Mỹ, trong đó có định dạng các cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao.

Tuy nhiên, giới quan sát tại Nga nghi ngờ hiệu quả của các cuộc gặp này. Giám đốc Quỹ nghiên cứu Mỹ mang tên F.Roosevelt của Đại học MGU (Nga) Yuri Rogulev giải thích: Cục diện tại Mỹ hiện vẫn mang tính chất "đuổi bắt", không rõ ràng và không rõ ai là bên ra quyết định.

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Rogulev, giới chính trị tại Mỹ "đều đang chìm ngập trong chiến dịch chống Nga" nên bất kỳ một quyết định nào của Chính quyền Donald Trump cũng đều phải "ướm ý tứ của quốc hội và công luận vốn đang đòi hỏi các hành động kiên quyết và khát máu".

Mặc dù vậy, ông Rogulev vẫn nhấn mạnh thêm rằng, dù các biện pháp trên có được áp dụng thì cũng không tác động quá tiêu cực đến quan hệ song phương Nga-Mỹ. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì những đồn đoán về các biện pháp hạn chế cũng đã tạo ra bầu không khí tiêu cực bởi chính yếu tố này đang đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ Nga-Mỹ hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục