Thực hiện cam kết AEC: Việt Nam là một thành viên dẫn đầu

12:06' - 06/12/2015
BNEWS Hiện nay, 10 nước thành viên ASEAN đều đã chuẩn bị sẵn sàng và Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết hình thành cộng đồng kinh tế AEC.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN là một quá trình chứ không phải là một sự kiện và là quá trình phát triển mang tính giai đoạn. Hiện nay, 10 nước thành viên đều đã chuẩn bị sẵn sàng và Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết.

Đến hết tháng 7/2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Đối với các lĩnh vực như dịch vụ, vận tải, cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, ASEAN thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trong năm 2016.

Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng AEC.

Việt Nam đã rất tích cực, chủ động, đề xuất nhiều sáng kiến để thúc đẩy quá trình hình thành AEC. Việt Nam đã phối hợp với các nước để xây dựng cơ chế vận hành và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất, thương mại trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ ký Tuyên bố chung về thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Việt Nam cũng tích cực triển khai các biện pháp khác để thực hiện cam kết về dịch vụ và đầu tư trong ASEAN để hướng tới hình thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung.

Hiện các biện pháp đều được thực hiện trên trình tự nhất định, bất kể về giảm miễn thuế hay các khó khăn khác phần lớn đều đã được giải quyết, có thể nói đây là sự thể hiện của việc chuẩn bị hoàn tất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Việt Nam đã có một quá trình dài để chuẩn bị hội nhập vào AEC. Theo đó, việc lớn nhất mà Việt Nam đã làm được là xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý và quy phạm pháp luật nhằm cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh và sự trưởng thành khi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Bên cạnh đó, ngay từ năm 1998, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về AEC do một Phó Thủ tướng đứng đầu. Đây là những nền tảng cơ bản quyết định sự thành công của việc gia nhập AEC.

Những nỗ lực của Việt Nam cho thấy mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và sự chênh lệch giữa Việt Nam và 6 thành viên cũ của ASEAN còn khá lớn, nhưng với nỗ lực, quyết tâm hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt tỉ lệ cao… và được các nước ASEAN khác đánh giá cao.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Mỗi quốc gia và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển. Ảnh: Phạm Quyết/TTXVN

Tại các hội nghị ASEAN 27, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu cao quyết tâm và cam kết của Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp cụ thể và thiết thực để triển khai hợp tác ASEAN và tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực.

Theo ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào quá trình hình thành cộng đồng AEC, phản ánh chủ trương chung và quyết tâm của Việt Nam trong tham gia hợp tác ASEAN. Việt Nam không chỉ nghiêm túc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ thành viên ASEAN.

Việt Nam đặc biệt góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN nhằm tranh thủ tốt hơn các cơ hội và ứng phó kịp thời với các thách thức.

Bên cạnh đó, những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được đã nâng cao thế và lực của Việt Nam, tạo điều kiện để chúng ta đóng góp hiệu quả và thiết thực hơn cho ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh hơn.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc hình thành cộng đồng mới chỉ là điểm khởi đầu, để hội nhập và chung sống trong cộng đồng rộng lớn này, mỗi quốc gia và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển./.

Trở về bài trước: AEC: Khởi đầu tiến trình hội nhập mới

Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục