Việt Nam hiện có gần 52 triệu người dùng Internet

15:22' - 02/06/2016
BNEWS Việt Nam hiện có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia.
Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?”. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Internet đã giúp chuyển biến nhiều khía cạnh cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam, gồm cả cách thức người tiêu dùng tương tác với doanh nghiệp. Đã có 43% người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ rằng, họ lần đầu biết đến sản phẩm họ mua là thông qua quảng cáo trực tuyến. 

Ông Kevin O’Kane, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Google châu Á Thái Bình Dương đã cung cấp thông tin này tại buổi hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Google tổ chức sáng 2/6 tại Hà Nội.

Khẳng định vai trò của công nghệ số trong bối cảnh hội nhập, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định: “Làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này là cách thức đi tắt, đón đầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngay như các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng một thể chế chính sách tốt, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Bàn luận sâu hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp Chế VCCI cho rằng, trên thực tế, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Ngược lại, trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng công nghệ thông tin tốt, cung cấp thông tin tới doanh nghiệp nhanh chóng và thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và giảm thiểu nguy cơ làm nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, thậm chí cả tham nhũng….

Đánh giá thực trạng và xu hướng sử dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tuấn cho biết, tại hầu hết các địa phương, trung bình đã có tới 95% doanh nghiệp sử dụng internet; 92% doanh nghiệp sử dụng email…

Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ thông tin còn chưa hiệu quả, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ còn thấp. Nguyên nhân được cho là hạ tầng internet tại các địa phương còn tương đối thấp và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.

Qua quan sát việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của người dân và doanh nghiệp Việt Nam, ông Kevin nhận thấy, việc số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm do nhiều thách thức như thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến; quan niệm sai về việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư; doanh nghiệp thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ và lo lắng về vấn đề bảo mật. Đó là chưa kể, nguyên nhân khách quan là do xã hội chưa thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt trong đời sống hàng ngày.

Chính vì thế, việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam chưa đạt được nhiều bước tiến khả quan và cũng chưa nhiều doanh nghiệp ứng dụng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Kevin nhận định, việc chưa triển khai thương mại điện tử và chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại di động tốt đến với khách hàng, khiến cho phần lớn các doanh nghiệp gần như trở nên vô hình với hơn một nửa dân số Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới đang kết nối trực tuyến.

Vấn đề ở chỗ, chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di dộng. Việt Nam hiện là nước có kết nối di động cao với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh.

Người Việt dùng điện thoại di động cho nhiều hoạt động khác nhau như tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông hay quản lý danh sách mua hàng….

Ông Kevin O’Kane, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Google châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Vì thế, ông Kevin O’Kane cho rằng, mỗi doanh nghiệp, dù hoạt động ở bất cứ ngành, nghề nào đều có thể trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử vì đã có sẵn lượng khách hàng kết nối trực tuyến và trên nền tảng di động.

Đánh giá tiềm năng của kinh tế số đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bà Tammy Phan, Giám đốc Đối tác chiến lược và kênh bán hàng Google APAC cho biết, công nghệ số đang thực sự gia tăng tại Đông Nam Á. Số người dùng kết nối liên tục gia tăng.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động. Việc sử dụng điện thoại di động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Bởi nếu thêm 1% số người dùng điện thoại di động sẽ đóng góp hơn 100 triệu đô la Mỹ và tạo hơn 140.000 việc làm mới ở thời điểm đó.

Gợi mở về tâm lý và xu hướng hành vi của người tiêu dùng, bà Tammy cho biết, mỗi ngày, trung bình người ta kiểm tra điện thoại 150 lần, dành hơn 4 giờ đồng hồ để online; trong đó, 50% thời gian là trên điện thoại di động và 65% giao dịch bằng đầu bằng điện thoại di động.

70% người tiêu dùng sử dụng một công cụ để tìm kiếm thông tin trước khi mua hàng trước khi quyết định mua sắm.

Do đó, để tạo thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, cần xây dựng một trang thông tin điện tử trực tuyến, cần tạo ra một kết nối phù hợp để đảm bảo khả năng tích hợp giữa website của doanh nghiệp và định dạng của thiết bị di động mà khách hàng sử dụng. Doanh nghiệp phải làm sao giành được những khoảng khắc mà khách hàng mong đợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục