“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

20:24' - 07/09/2019
BNEWS Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều loại hàng hóa của Việt Nam đã thật sự chinh phục được người tiêu dùng.
Sản phẩm nước mắm Thu Hải được chế biến từ cá nước ngọt lòng hồ sông Đà của Hợp tác xã cơ khí Xuân Hải, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Nhiều người dân đã dần hình thành văn hóa tiêu dùng các sản phẩm trong nước, từ đó góp phần tôn vinh các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

10 năm một hành trình

Năm 2009, sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã liên tục tăng trưởng, sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội.

Chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước ngày càng được nâng cao. Một số sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, như: cà phê, gạo, thủy sản, hàng may mặc…

Mặc dù vậy, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp, hàm lượng trí tuệ và công nghệ trong các sản phẩm hàng hóa chưa cao nên tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.

Trước thực tế đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ chương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Thông báo Kết luận số 246-KL/TW ngày 31-7-2009) với mục đích: Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; đồng thời sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ưng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thực hiện Kết luận trên, Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp Trung ương và cấp tỉnh thành phố (và tương đương) đã được thành lập nhằm nhanh chóng triển khai cuộc vận động trên phạm vi toàn quốc, nhằm vận động tất cả các cán bộ, nhân dân của các địa phương thay đổi nhận thức và hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh, dịch vụ của Việt Nam làm ra; đồng thời, các doanh nghiệp, nhà sản xuất của Việt Nam cũng phải cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu của địa phương và quốc gia cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, trong suốt 10 năm qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước, đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường…

Đến nay, cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt.

Đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế; thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm.

Làm thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng

Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo nên làn sóng dùng hàng nội, thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng.

Sản phẩm chè Shan tuyết Hoàng Su Phì được đông đảo du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Theo Điều tra nghiên cứu dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.

Số liệu báo cáo của các Sở Công Thương cho thấy, hiện hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80%-90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng Việt đã chiếm 72% trong hệ thống siêu thị, 58% hệ thống trung tâm thương mại, 67% chuỗi cửa hàng tiện lợi và mở rộng phân phối đến nhiều vùng xa trung tâm của Thành phố.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng được thị phần, nhất là các kênh bán lẻ hiện đại, như: Saigon Co.opmart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm; Vingroup đã mở khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng Vinmart+...

Chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và đảm bảo bình ổn giá đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân…

Tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm

Cùng với việc làm thay đổi lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh, góp phần tạo nên những thương hiệu được nhiều người tiêu dùng yêu thích như: nước mắm Phú Quốc, nho Ninh Thuận, chè Thái Nguyên, bưởi Diễn, sữa Vinamilk, TH Truemilk…

Từ chỗ phải vận động để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đến nay, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã không những chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà còn xuất hiện trên nhiều kệ hàng ở nước ngoài.

Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các kệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60%-96%.

Cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)...

Qua đó, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp về thương hiệu, tạo dựng được uy tín với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.

Cụ thể, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%; tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm…

Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình để triển khai, tạo sự hiểu biết nhận diện hàng hóa Việt Nam cũng như cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng hàng giả hàng nhái cũng được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai rất hiệu quả.

Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.

Trên cơ sở các kết quả đáng ghi nhận trên, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mục tiêu, đến năm 2020, hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục