10 điểm nhấn quan trọng của thị trường ô tô Việt Nam năm 2024

16:38' - 01/01/2025
BNEWS Năm 2024, thị trường ô tô Việt Nam đã ghi nhận nhiều sự kiện và xu hướng quan trọng, đánh dấu sự phát triển cũng như những thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô.

Dưới đây là 10 điểm nhấn tiêu biểu phản ánh bức tranh toàn diện của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong năm qua.

1. VinFast dẫn đầu doanh số bán hàng

Bất chấp những biến động trên thị trường ô tô cũng như áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu ô tô lâu năm tại Việt Nam, VinFast - thương hiệu ô tô "sinh sau đẻ muộn" của Việt Nam, đã đạt được thành công lớn khi vươn lên dẫn đầu doanh số bán hàng với 67.000 xe trong 11 tháng của năm 2024.

Dự báo trong cả năm 2024, VinFast có lượng bán ra hơn 80.000 xe, dẫn đầu thị trường và vượt xa các hãng xe ngoại quốc.

 

Thành tích này giúp VinFast khẳng định vị thế của thương hiệu nội địa trên thị trường. Điều này không chỉ chứng minh chiến lược kinh doanh hiệu quả mà còn cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm trong nước.

2. Ô tô Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan

Cột mốc đáng nhớ khác trong năm 2024 là lô xe Hyundai Palisade do Công ty Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam - Liên doanh giữa TC Group (Tập đoàn Thành Công) và Hyundai Motor sản xuất, lần đầu tiên được xuất khẩu “Ngược” sang Thái Lan. Đây là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng ô tô sản xuất tại Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội thâm nhập vào các thị trường quốc tế khó tính.

3. Triển lãm ô tô Việt Nam trở lại với tên lạ

Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS 2024) đã trở lại sau một năm gián đoạn, quy tụ 19 thương hiệu ô tô và xe máy và mang tên mới “Triển lãm Ô tô & Xe máy Việt Nam 2024 (Vietnam Motor Show 2024 - VMS 2024).

Tuy nhiên, Triển lãm chỉ vỏn vẹn có 11 thương hiệu ô tô gồm GAC, Honda, Isuzu, Mitsubishi, Skoda, Subaru, Suzuki, Toyota, MG, GAZ (ít hơn 3 thương hiệu so với kỳ triển lãm năm 2022) và có đến 8 thương hiệu mô tô – xe máy. Thậm chí, triển lãm này còn không có sự tham gia của các thương hiệu xe sang như Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi, Volvo, Volkswagen mà người tiêu dùng yêu thích như các kỳ trước.

Theo công bố của Ban Tổ chức, VMS 2024 thu hút gần 240.000 lượt xem khách tham quan sau 5 ngày diễn ra, nhưng đơn vị này không công bố hợp đồng được ký kết như những năm trước đây.

4. Giảm 50% lệ phí trước bạ kích cầu thị trường

Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/9 đến 30/11/2024. Đây là lần thứ tư, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng, nhưng lần này chỉ áp dụng trong 3 tháng thay vì 6 tháng như 3 lần trước đây.

Quyết định này không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn giúp các nhà sản xuất trong nước vượt qua khó khăn kinh tế. Đây cũng dịp khiến các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc rầm rộ tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá để tăng tính cạnh tranh. Nhờ đó, doanh số ô tô trong nước đã tăng mạnh, tạo động lực phát triển cho cả ngành.

Tại thị trường ô tô Việt Nam, giá xe rẻ nhất là Kia Morning MT đang có giá bán 349 triệu đồng, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, mức giảm sẽ tương đương 17,45 triệu; và mẫu xe hạng sang như Mercedes-Benz E 300 AMG FL có giá 3,209 tỷ đồng, sẽ có mức giảm đến 192 triệu đồng.

5. Làn sóng xe Trung Quốc đổ bộ

Năm 2024, thị trường Việt Nam chứng kiến sự gia nhập của 7 thương hiệu ô tô Trung Quốc mới như BYD, Omoda & Jaecoo, Aion và GAC… nâng tổng số lên 13 thương hiệu góp mặt từ trước đến nay.

Trong đó, Omoda & Jaecoo đã mở bán sản phẩm trước khi đi vào sản xuất, lắp ráp xe tại Thái Bình vào năm 2025; đồng thời mở rộng hệ thống đại lý bán hàng khắp các tỉnh thành trong cả nước, tạo nên sự cạnh tranh đa dạng hơn trong ngành.

Với số lượng các hãng xe Trung Quốc đến hết năm 2024 đã vượt qua Nhật Bản với 9 thương hiệu đang có mặt tại Việt Nam.

6. Tasco mua lại nhà nhập khẩu xe Volvo và hợp tác với Geely

Công ty Cổ phần Tasco Auto đã hoàn tất việc sở hữu 100% Sweden Auto – đơn vị nhập khẩu chính hãng xe Volvo tại Việt Nam.

Đồng thời, Tasco cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Geely, một trong những tập đoàn ô tô lớn của Trung Quốc, để khởi công nhà máy ô tô tại Thái Bình trong nửa đầu năm 2025. Trước khi đi vào lắp ráp trong nước, liên doanh này sẽ ra mắt mẫu xe Geely Coolray nhập khẩu nguyên chiếc về phân phối.

Sự kiện này không chỉ củng cố vị thế của Tasco trong vai trò nhà phân phối lớn mà còn mở ra cơ hội đưa các công nghệ tiên tiến từ Geely vào thị trường Việt Nam, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhờ vào hệ thống showroom và dịch vụ sau bán hàng được mở rộng.

7. VinFast tăng tỷ lệ nội địa hóa

Sau 7 năm chính thức gia nhập thị trường, VinFast tiếp tục đẩy mạnh chiến lược nội địa hóa với mục tiêu đạt 84% tỷ lệ nội địa hóa xe điện vào năm 2026, trong khi các liên doanh góp mặt nhiều năm tại Việt Nam cả hàng chục năm chưa thực hiện được.

Các hoạt động này bao gồm sản xuất linh kiện trong nước và kế hoạch chế tạo cell pin. Đây là bước đi chiến lược nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.

8. Xây dựng nhà máy ô tô điện thứ hai

Sau thành công từ Tổ hợp VinFast Hải Phòng, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện thứ hai tại Hà Tĩnh, với tổng vốn đầu tư lên đến 7.300 tỷ đồng. Nhà máy này dự kiến sẽ giúp VinFast mở rộng năng lực sản xuất và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về xe điện tại Việt Nam và quốc tế, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng một nền công nghiệp ô tô xanh bền vững.

9. Sự lên ngôi của các dòng xe thực dụng

Các mẫu SUV đô thị như Toyota Corolla Cross, Kia Seltos và Mitsubishi Xforce đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng nhờ thiết kế nhỏ gọn, gầm cao, giá hợp lý và khả năng thích nghi tốt với địa hình đa dạng. Xu hướng này phản ánh rõ nét nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng Việt.

10. Thị trường ô tô phục hồi mạnh mẽ

Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường ô tô Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng. Doanh số tăng cao và sự xuất hiện liên tục của nhiều mẫu xe mới cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang phục hồi mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với các cơ hội và thách thức mới trong tương lai.

Theo Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán xe tính đến tháng 11 đạt khoảng 420.000 chiếc, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, phân khúc xe SUV và crossover tiếp tục dẫn đầu về doanh số nhờ sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các dòng xe đa dụng.

Theo các chuyên gia trong ngành, năm 2024 đánh dấu một chặng đường đầy biến động nhưng cũng rất đáng tự hào của thị trường ô tô Việt Nam. Những điểm nhấn trên không chỉ thể hiện sự phát triển mà còn đặt nền móng cho những bước tiến mới, hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục