10 doanh nghiệp được chọn thực hiện kiểm toán năng lượng

14:02' - 01/10/2019
BNEWS Dưới sự hỗ trợ của chuyên gia năng lượng Hàn Quốc, các doanh nghiệp nếu đầu tư 200.000 USD có thể tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD/năm, cắt giảm khoảng 600.000 tấn CO2/năm.
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Sáng 1/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”.

Đây là dự án do Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương thực hiện.
Triển khai từ tháng 11/2017 đến nay, dự án đã đạt được nhiều kết quả tốt, tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng và các cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn 2.400 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, đến nay dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc gồm: Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Lóc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng và Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn.

 Ông Kim Jin Oh, Giám đốc Khu vực của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Chung - TTXVN 

Theo ông Kim Jin Oh, Giám đốc Khu vực của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, hiện dự án đã bước sang giai đoạn 3, kéo dài từ nay đến 2030.

Thực hiện các giải pháp dưới sự hỗ trợ của chuyên gia năng lượng Hàn Quốc, các doanh nghiệp nếu đầu tư 200.000 USD thì có thể tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD/năm, cắt giảm khoảng 600.000 tấn CO2/năm.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc mong muốn được đóng góp vào thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” cũng có sự tham gia của các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Duy Phong, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV đã tham gia nhiều hạn mức tài trợ “tín dụng xanh” của World Bank (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Nguồn vốn ủy thác nước ngoài từ các tổ chức quốc tế tài trợ phát triển “tín dụng xanh” là nguồn lực quan trọng, đầu tư vào 4 lĩnh vực: năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao và chống biến đổi khí hậu.
Thông qua BIDV, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực trên có thể vay được từ WB, tối đa 80% tổng mức đầu tư.

Một số dự án đã triển khai hiệu quả thời gian qua như: dự án tại Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, dự án tại Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh, dự án tại Công ty cổ phần Fococev (lĩnh vực chế biến tinh bột sắn).

Hiện nay, hạn mức còn lại của dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam tại BIDV là 43 triệu USD.
Theo ông Phong, hiện BIDV đang phối hợp với Bộ Công Thương khảo sát, đánh giá dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Nhà máy sản xuất ống thép VJCO./.

>>> Phát triển năng lượng sạch: Những thành tố “quý hơn vàng” (Phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục