Tài chính xanh cho năng lượng tái tạo

12:25' - 18/09/2019
BNEWS Năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn để đáp ứng được nhu cầu đang ngày một tăng nếu có chính sách thích hợp và được hỗ trợ về tài chính.
Tài chính xanh cho năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng 18/9, trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối  hợp với cơ quan điều phối là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức Hội thảo: Tài chính Xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Trao đổi tại hội thảo, ông Simon James, Cố vấn Chương trình Khí hậu và Năng lượng - Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam cho hay, năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn để đáp ứng được nhu cầu đang ngày một tăng nếu có chính sách thích hợp và được hỗ trợ về tài chính.

Theo báo cáo về viễn cảnh ngành năng lượng của WWF, việc chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 là hoàn toàn khả thi.

Trong năm 2018, đã có tổng cộng hơn 3.460MW năng lượng tái tạo được lắp đặt; 93 dự án điện mặt trời và 54 dự án điện gió với tổng công suất hơn 10.000MW đã được lên kế hoạch.

Tuy nhiên, những thách thức cho ngành năng lượng tái tạo nằm ở vấn đề vốn đầu tư. Hiện nay, chi phí đầu tư vẫn còn khá cao đối với một số công nghệ mới, do đó, năng lượng tái tạo vẫn đang khó cạnh tranh với ngành nhiên liệu hóa thạch.

Cùng với đó là những yếu kém nội tại như thiếu nhân lực có trình độ, công suất nối lưới kém… khiến nhiều dự án lớn bị trì hoãn do khung quy định phức tạp.

Để đáp ứng nhu cầu về điện, Việt Nam cần khoảng 7,8 - 9,6 tỷ USD mỗi năm từ năm 2016-2030; trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng hơn 39 tỷ USD (27 tỷ USD cho tạo ra điện và hơn 12 tỷ USD cho nối lưới), giai đoạn 2026-2030 cần hơn 48 tỷ USD (hơn 32 tỷ USD cho tạo ra điện và gần 16 tỷ USD cho nối lưới).

Ông Simon James cho rằng, theo ước tính, chi phí của các dự án năng lượng tái tạo đang giảm dần, việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió sẽ rẻ hơn xây dựng các nhà máy điện than kể từ sau năm 2020.

Tuy nhiên, cần tạo ra động lực cho các nhà đầu tư bằng những ưu đãi về giá FIT (là giá bán điện năng (tariff) sản xuất ra từ nguồn năng lượng thứ cấp được cung cấp vào (feed-in) hoặc bán cho lưới điện), ưu đãi lãi suất tín dụng, hay miễn thuế thuê sử dụng đất, hợp đồng mua bán điện dài hạn…

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo và nguồn tài chính xanh trong khu vực, lấy kinh nghiệm từ Philippines, ông Marlon Joseph Apanada, Chương trình Sáng kiến tài chính xanh, kiêm Giám đốc Allotrope Partners, Philippines cho rằng, hiện tổng giá trị dư nợ Trái phiếu Xanh và Bền vững của khu vực ASEAN lên tới 1,6 tỷ USD; trong đó, xây dựng là hạng mục được trái phiếu xanh cấp vốn nhiều nhất (43% theo khối lượng thị trường), tiếp theo là năng lượng ở mức 32%.

“Chúng tôi mong muốn tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính ở Đông Nam Á (FI) để tích cực tham gia vào hệ thống tài chính xanh, với mục tiêu cuối cùng là giảm vốn đầu tư vào các nhà máy sử dụng nguyên nhiên liệu hóa thạch truyền thống, trong khi nhanh chóng thúc đẩy và nhân rộng các khoản đầu tư về năng lượng tái tạo”, ông Marlon Joseph Apanada nói.

Xanh hóa Hệ thống Tài chính đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách khi thực hiện tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á thông qua tổ chức các buổi đối thoại giữa các tổ chức tài chính, nhà phát triển dự án, cơ quan quản lý chính sách tài chính, trong khi làm việc với những sáng kiến tương tự trong khu vực.

Sáng kiến tài chính xanh hướng tới đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, bao bồm các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, bằng cách giải quyết quy trình thẩm định phức tạp và mất thời gian trong các ngân hàng cũng như cải thiện tính hấp dẫn của những dự án do các nhà phát triển dự án trình nộp.

Ngoài ra, tài chính xanh cũng hướng tới gia tăng việc phát hành các sản phẩm xanh như trái phiếu xanh, vốn vay lưu động cho các công ty dịch vụ năng lượng ESCOs, cho vay để lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, cho vay để chế tạo xe điện, cho vay để lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà các hộ gia đình, cho vay để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà...

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc Tư vấn Dự án, Công ty cổ phần Solar ESCO cho hay, trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái, có thể áp dụng nhiều phương phức đầu tư để giải quyết vấn đề về tài chính của doanh nghiệp.

Đơn cử như phương thức đầu tư trực tiếp: doanh nghiệp sẽ đầu tư 100% giá trị hệ thống, suất đầu tư từ 17-20 triệu đồng/kWp, được thế chấp hệ thống năng lượng mặt trời với mức vay 70% giá trị hệ thống.

Một hình thức đầu tư khác là đầu tư qua các công ty dịch vụ năng lượng. Hiện SolarEsco đã cùng đầu tư với nhiều doanh nghiệp, góp vốn từ 50%-100%.

Ở hình thức này, SolarEsco sẽ chịu mọi trách nhiệm về thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống, bảo trì và vận hành. Hệ thống này sẽ được bàn giao cho doanh nghiệp sau thời gian hợp tác.

“Mô hình ESCO sẽ giúp tối ưu hóa rủi ro về tài chính, mọi trách nhiệm vận hành bảo trì đều thuộc về các công ty ESCO”, ông Thịnh nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục