100 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc sụt giảm mạnh doanh thu

13:59' - 09/10/2021
BNEWS Những nỗ lực liên tục của các nhà chức trách Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản trong nước và kiềm chế rủi ro tài chính đã khiến nhu cầu nhà ở tại nước này giảm mạnh trong vài tháng qua.

Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC) mới đây cho biết cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande đã khiến doanh thu của 100 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc giảm tới 36% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, hơn 60% trong số này bị sụt giảm doanh số bán hàng ở mức hơn 30%.

Thông báo của CRIC cho biết thông thường, tháng Chín hàng năm là khoảng thời gian thị trường bất động sản Trung Quốc bùng nổ. Tuy nhiên, tháng Chín năm nay, doanh số bán hàng tại 28 thành phố đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc), lượng nhà đất giao dịch giảm 45%, còn thủ đô Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu giảm 30%. Khoảng 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu cũng phải gánh chịu chi phí tài chính cao hơn trong tháng Chín.

Những nỗ lực liên tục của các nhà chức trách Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản trong nước và kiềm chế rủi ro tài chính đã khiến nhu cầu nhà ở tại nước này giảm mạnh trong vài tháng qua. Động thái này cũng khiến các chủ đầu tư nặng nợ như Evergrande gặp thêm nhiều khó khăn.

Tại phiên giao dịch ngày 8/10, nhóm cổ phiếu bất động sản Trung Quốc cũng đi xuống trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tính thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản. Trên thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản đã sụt giảm 1,4%.

Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, Evergrande đang lún sâu trong núi nợ lên đến 306 tỷ USD, tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tập đoàn này đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande từ mức "CC" xuống "CCC+", tức là chỉ trên mức vỡ nợ trong thang xếp hạng của cơ quan này.

Hôm 4/10, cổ phiếu của tập đoàn Evergrande cũng đã bị tạm ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), chỉ vài ngày sau khi tập đoàn bất động sản này lần thứ hai không thực hiện được nghĩa vụ chi trả lãi trái phiếu đúng hạn.

Nguy cơ sụp đổ của Evergrande đã gây ra những lo lắng về những tác động tiêu cực đối với lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.

>>Vì sao Evergrande đến bờ vực phá sản với "bom nợ" đến hơn 300 tỷ USD?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục