14 đơn vị ở Bình Dương cung ứng vật liệu cho đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

16:18' - 02/04/2024
BNEWS Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho dự án, Bình Dương hiện có 14 đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn đã vào cuộc tham gia cung ứng vật liệu cho đường vành đai 3 Tp Hồ Chí Minh.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh riêng trong năm 2024 cần đất đắp nền đường là khoảng 300.000 m3, cát đắp nền đường là 525.159 m3, cát xây dựng là 76.655 m3, đá xây dựng 388.809 m3 và sỏi đỏ 65.101 m3.

 
Các năm tiếp theo 2025 và 2026 số lượng vật liệu xây dựng đường Vành đai 3 sẽ giảm hơn nhưng khối lượng vẫn cần rất lớn. Riêng dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương sử dụng hàng triệu m3 vật liệu xây dựng gồm: cát, đá, sỏi đỏ và đất đắp nền; trong đó căng nhất là đất đắp nền đang thiếu hụt trầm trọng.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho dự án, hiện, Bình Dương có 14 đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn đã vào cuộc tham gia cung ứng vật liệu cho đường vành đai 3; trong đó, có 6 đơn vị khai thác cát và 8 đơn vị khai thác đá và đất nền cam kết cung ứng đủ vật liệu cho dự án thành phần 5 tại Bình Dương.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho hay, qua rà soát về trữ lượng còn lại, công suất khai thác của các mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho đường vành đai 3 theo khối lượng đã thống nhất cùng sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.     

Để chủ động trong quá trình cung ứng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã mời các doanh nghiệp có mỏ và đang khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến làm việc. Qua buổi làm việc, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều nhận thức rõ trách nhiệm trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh; đồng thời, đã đăng ký cung ứng khối lượng vật liệu xây dựng.

Qua cam kết, 6 đơn vị cung ứng cát xây dựng đăng ký với khối lượng 540.000 m3; đá xây dựng các loại và đất san lấp có 8 đơn vị đăng ký với khối lượng 1,83 triệu m3 đá; 1,4 triệu m3 đất san lấp là phần đất tầng phủ của các mỏ đá.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết thêm, hiện đơn vị đang tiếp tục bám sát và đôn đốc tiến độ các gói thầu xây lắp đã triển khai thi công; đồng thời, phối hợp cùng đơn vị thi công và chính quyền địa phương tiếp nhận mặt bằng, phấn đấu trong hết tháng 3 đạt 100% diện tích mặt bằng để tập trung xử lý gia cố nền hạ (vì thời gian xử lý nền kéo dài từ 10 - 12 tháng) do đó nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các công đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác xử lý đất yếu phần đường cao tốc và hoàn thành kết cấu phần dưới các cầu trên tuyến chính đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Về dự án thành phần 6 giải tỏa đền bù tiếp tục thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án theo Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phê duyệt; phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng (đối với các trường hợp đã nhận tiền và đồng ý bàn giao mặt bằng) để triển khai thi công theo kế hoạch; đồng thời, phối hợp giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án.

Dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài toàn tuyến 26,6 km, với mức đầu tư 19.280 tỷ đồng. Dự án bao gồm nút giao Tân Vạn dài 2,393 km; đoạn đường từ phường Bình Chuẩn (Tp.Thuận An) đến sông Sài Gòn dài 8,9 km; đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km (đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng, hiện tại đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị) đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục