21 công trình trọng điểm tại Hà Nội có thể bị chậm tiến độ

16:03' - 10/07/2018
BNEWS Dự kiến đến hết năm 2020, có 34/55 dự án đáp ứng đúng tiến độ đã được phê duyệt, còn 21 dự án sẽ bị chậm tiến độ.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban. Ảnh: Nguyễn Thắng-TTXVN

Ngày 10/7, tại Hội nghị Giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện tổng số công trình trọng điểm của Hà Nội là 55 dự án với tổng mức đầu tư 487.276 triệu đồng (gồm 26 dự án ngân sách và ODA, 27 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 2 dự án xã hội hóa).

Tính đến hết tháng 6 năm 2018, có 4 dự án đầu tư đã hoàn thành, 17 dự án chuyển tiếp đang đẩy nhanh tiến độ thi công và 34 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Dự kiến đến hết năm 2020, có 34/55 dự án đáp ứng đúng tiến độ đã được phê duyệt, còn 21 dự án sẽ bị chậm tiến độ.

Cụ thể, đối với 26 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA (tổng mức đầu tư khoảng 108.814 tỷ đồng), đã có 4 dự án hoàn thành (dự án Cầu vượt tại nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Cầu vượt Cổ Linh; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội); 14 dự án đang tích cực đẩy nhanh tiến độ (như Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - Khu liên cơ Võ Chí Công; Bệnh viện Thanh Nhàn - Giai đoạn II; Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II…); 5 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư; 3 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với 27 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 373.956 tỷ đồng, đến nay có 3 dự án đang triển khai thi công, gồm khu công viên và hồ điều hòa CV1, đường trục phía Nam, xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng; 3 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; 1 dự án đã trình UBND thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; 2 dự án đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 18 dự án chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất.

Đối với 2 dự án xã hội hóa (tổng mức đầu tư khoảng 4.506 tỷ đồng), đến nay các cơ quan liên quan đang thẩm định, trình phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm phức hợp y học - Bệnh viện Tim Hà Nội tại quận Tây Hồ.

Dự án còn lại là Khu công viên phần mềm, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500, đã ghi nhận đề xuất dự án của nhà đầu tư tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển vừa qua.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng thẳng thắn nêu quan điểm, so với kế hoạch được duyệt thì tiến độ một số công trình còn chậm.

Nguyên nhân các công trình chậm tiến độ là do giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, thủ tục đầu tư với các dự án PPP còn kéo dài, nhiều dự án phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành…

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cũng xác định nguyên nhân một số công trình chậm tiến độ là do giải phóng mặt bằng một số dự án còn vướng mắc; một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án.

Các dự án PPP thủ tục còn chậm do thủ tục đầu tư kéo dài, nhiều bước; phải rà soát để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; một số dự án BT phải chuyển địa điểm, tìm khu đất khác để đầu tư...

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân kế hoạch vốn giao của các công trình trọng điểm, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung quyết liệt để hoàn thành giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND thành phố về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Các sở, ngành tham mưu cơ chế linh hoạt, ưu tiên bố trí đủ vốn, đáp ứng tiến độ các công trình, đồng thời đảm bảo cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, triển khai các biện pháp thi công tối ưu cho từng dự án; đôn đốc, giám sát chặt chẽ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch; Định kỳ báo cáo tiến độ cũng như khó khăn, vướng mắc để UBND thành phố xem xét, chỉ đạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục