30 năm thu hút FDI - Bài 1: "hấp dẫn" bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh

11:27' - 26/09/2018
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là linh vực bất động sản trong 30 năm qua, tính từ thời điểm Việt Nam mở cửa, thu hút nguồn vốn này.

Xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “rót vào” lĩnh vực bất động sản tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung đang ngày càng gia tăng đã góp phần tạo thêm nguồn lực lớn cũng như mang lại nhiều giá trị về tiêu chuẩn, công nghệ, quản trị cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, để quản lý và phát huy hiệu quả của dòng vốn này cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản nội địa.
Bài 1: Lực hút từ Tp. Hồ Chí Minh
Tp. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua, tính từ thời điểm Việt Nam mở cửa, thu hút nguồn vốn này. Trong thành tích đó, lĩnh vực bất động sản là một trong lĩnh vực dẫn đầu, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những năm gần đây.

Dự án Thu Thiem Eco Smart City. Ảnh: Lotte Asset development

Gia tăng nguồn vốn ngoại
Thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh liên tục ghi nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Điển hình như Tập đoàn Lotte, Hàn Quốc đã hoàn tất thủ tục đầu tư dự án Thu Thiem Eco Smart City tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm Quận 2) với tổng chi phí thực hiện 20.100 tỷ đồng.
Chia sẻ với Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc trong tháng 4/2018 vừa qua, ông Lee Kwang Young, Tổng giám đốc Điều hành Lotte Asset Development cho biết, Tập đoàn Lotte quyết tâm đầu tư đối với dự án Thu Thiem Eco Smart City để xây dựng một tòa tháp biểu tượng cho thành phố. Đây sẽ là khu đô thị được thiết kế hiện đại và ứng dụng các công nghệ thông minh.
Cũng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Tháp quan sát Emprie City với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD cũng đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2022.
Chủ đầu tư dự án là liên doanh với tỷ lệ vốn liên doanh là 50-50% giữa đối tác trong nước là hai Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners.
Ngoài ra, dự án có giá trị đầu tư hơn 400 triệu USD mang tên Thủ Thiêm River Park cũng đang được triển khai do Hong Kong Land (HKL) và Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (CII) hợp tác phát triển.
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA), những năm qua bất động sản thường xuyên giữ vị trí dẫn đầu trong thu hút vốn FDI, điển hình như năm 2015 đạt 1,497 tỷ USD (chiếm 53%), năm 2016 đạt 1 tỷ USD, năm 2017 đạt 1,01 tỷ USD.
Theo thống kê của UBND Tp. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2017 địa bàn thành phố có 293 dự án vốn đầu tư FDI hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn đầu tư 13,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 33% tổng vốn FDI đầu tư vào thành phố. Các nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ…
Kể từ khi Luật đầu tư mới có hiệu lực (năm 2014), nguồn vốn FDI đổ vào thành phố đã liên tục tăng mạnh thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước.
Tính đến đầu tháng 9 này, trong tổng số 4,14 tỷ USD (với 1.912 trường hợp) nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư chiếm nhiều nhất với 48,2%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới. Nguồn vốn FDI sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn đầu tư vào bất động sản đang bị hụt do ngân hàng giảm cho vay tín dụng.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nguồn vốn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, bình quân 5 năm trở lại đây, tín dụng cho bất động sản hàng năm tăng trưởng hơn 11%. Bên cạnh vốn từ ngân hàng còn có vốn FDI, từ kiều hối khá quan trọng, từ đó giảm áp lực cho ngân hàng cung ứng vốn cho bất động sản.
Theo ông Minh, bình quân 3 năm qua, lượng vốn kiều hối đổ về thành phố đạt 5 đến 5,5 tỷ USD mỗi năm; trong đó, 20% đổ vào bất động sản, tức khoảng 1 tỷ USD. Đây là nguồn vốn hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản.
Nguồn vốn FDI cũng góp phần hình thành phát triển các dự án khách sạn đẳng cấp quốc tế tại thành phố như Park Hyatt, Sheraton, Sofitel; dự án Times Square với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD (khách sạn 6 sao duy nhất tại Tp. Hồ Chí Minh); dự án Kumho Asiana Saigon (nay là Mplaza Saigon).
“Mảnh đất” nhiều tiềm năng
Theo các chuyên gia bất động sản, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh rất lớn. “Khẩu vị” của các nhà đầu tư này là săn tìm cơ hội phát triển các dự án nhà ở có vị trí kết nối tốt với khu trung tâm thành phố hoặc những tài sản đã đi vào hoạt động, có thể mang về dòng tiền ổn định.
Các dự án hạ tầng quan trọng tại Tp. Hồ Chí Minh đang tiếp tục được triển khai, đầu tư mạnh mẽ. Nhiều dự án giao thông huyết mạch như tuyến metro số 1, vành đai 2, vành đai 3, nhiều cây cầu kết vượt sông Sài Gòn đã và đang được triển khai khẩn trương cùng với các dự án hiện hữu như Xa lộ Hà Nội, các tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng… đã mở đường cho hàng loạt dự án bất động sản phát triển.
Mặt khác, việc các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo và chuyển đổi mục đích sử dụng đất hơn 26.000 ha sẽ góp phần tạo thêm điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển.
Theo Công ty CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản tại Tp. Hồ Chí Minh đang rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi tốc độ đô thị hoá nhanh, dân số trẻ, kinh tế ổn định và hội nhập sâu rộng, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, trong khi thị trường ngày càng minh bạch. Nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường bất động sản, khung pháp lý, thủ tục cấp phép dự án…
Trong ấn phẩm Các tác động đến tương lai của thị trường bất động sản toàn cầu của Savills công bố đầu năm 2018, Tp. Hồ Chí Minh được xếp vị trí thứ 3 thế giới về khả năng tăng giá thuê bất động sản, xếp thứ 5 thế giới về tiềm năng đầu tư và thứ 2 thế giới về tiềm năng phát triển.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, việc Tp. Hồ Chí Minh lọt vào top những thị trường có tình hình hoạt động khả quan nhất thế giới với những vị trí cao đã cho thấy thị trường hồi phục nhanh và bền vững.
Đánh giá này có dựa trên yếu tố niềm tin của giới đầu tư và cả người dân, cũng như chính sách của thành phố đưa ra kích cầu thị trường. “Điều này đã giúp Tp. Hồ Chí Minh vượt lên trên tất cả các thành phố được khảo sát trên toàn cầu, trở thành lựa chọn số 1 cho nhà đầu tư muốn mua các loại hình bất động sản văn phòng, mặt bằng bán lẻ và nhà ở”, ông Troy Griffiths nói.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh về số lượng và vốn ở các hình thức đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm như: dịch vụ kinh doanh bất động sản, bán buôn - bán lẻ, dịch vụ khoa học công nghệ và dịch vụ du lịch.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao, khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng nên cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Khi phân tích nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản trong quá trình hội nhập của Việt Nam hiện nay, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở; đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước.

Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là chính sách cho cá nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, được mua và sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại.
Cùng quan điểm này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam cho hay, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại đang là một xu thế của thị trường bất động sản hiện nay.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ về lợi nhuận mà còn ở các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, các chính sách của nhà nước đối với việc người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam và những ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia bất động sản, sự hồi sinh của thị trường bất động sản và cải thiện tính thanh khoản được ghi nhận bởi những nỗ lực của Chính phủ nhằm vực dậy thị trường.
Việc hoàn thành cơ sở hạ tầng cơ sở và kết nối đường bộ với các khu vực đô thị lớn và thành phố vệ tinh cũng giúp cho lĩnh vực bất động sản trở nên hấp dẫn hơn. Luật Đất đai sửa đổi cũng hỗ trợ rất lớn cho thị trường bất động sản, được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính minh bạch và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trên mảnh đất đầy tiềm năng này./.
Bài 2: Doanh nghiệp ngoại và nội “kết duyên”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục