32 quốc gia không còn dành chế độ ưu đãi thuế quan GSP cho Trung Quốc

11:28' - 03/11/2021
BNEWS Hiện nay chỉ còn Na Uy, New Zealand và Australia vẫn đang duy trì “hệ thống ưu đãi phổ cập” (GSP) cho Trung Quốc

Theo Phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc) Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kể từ ngày 1/12/2021, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm 27 nước), Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein sẽ không còn được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của “hệ thống ưu đãi phổ cập” (GSP), những nước này không tiếp tục dành chế độ ưu đãi thuế quan GSP cho Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc giới thiệu trong văn bản “giải thích chính sách”, GSP là chế độ ưu đãi thuế quan phổ biến, không phân biệt đối xử, không ưu đãi lẫn nhau mà các nước phát triển dành cho thành phẩm và bán thành phẩm xuất khẩu của các nước và khu vực đang phát triển.

Kể từ khi thực hiện GSP năm 1978 đến nay, lần lượt có 40 nước dành cho Trung Quốc chế độ ưu đãi thuế quan này, trong đó phần lớn là các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, chẳng hạn như các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nga, Canada, Nhật Bản…

Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhấn mạnh cùng với sự phát triển nhảy vọt của nền kinh tế Trung Quốc và mức sống người dân liên tục được nâng cao, căn cứ vào tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc không còn thuộc nhóm những nền kinh tế thu nhập thấp hoặc trung bình thấp.

Do đó, nhiều nước dành GSP cho Trung Quốc, bao gồm Liên minh châu Âu đã lần lượt tuyên bố hủy chế độ ưu đãi này đối với Trung Quốc trong những năm gần đây, vì vậy hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc không thể tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế quan dựa vào giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của GSP.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho rằng, GSP không phải là ưu đãi vĩnh viễn, sau khi trình độ phát triển kinh tế của các nước đang phát triển đạt đến một mức độ nhất định, các nước phát triển sẽ hủy chế độ GSP.

Trung Quốc “tốt nghiệp” GSP từ nhiều nước cũng đã chứng minh hàng hóa của Trung Quốc đã có năng lực cạnh tranh nhất định trên thị trường quốc tế. Ở mức độ nào đó, “tốt nghiệp” cũng đồng nghĩa với “trưởng thành”.

Được biết, hiện nay chỉ còn Na Uy, New Zealand và Australia vẫn đang duy trì GSP cho Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục