49/63 địa phương kết nối, liên thông nghĩa vụ tài chính về đất đai

10:52' - 23/04/2025
BNEWS Các văn bản pháp lý được ban hành kịp thời chính là căn cứ pháp lý đồng bộ, quan trọng cho việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Tiến độ xây dựng Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các địa phương đang đẩy nhanh để hướng tới mục tiêu hoàn thiện vào năm 2025.

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua đã xác định rõ định hướng xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính kết nối, liên thông, đa mục tiêu và dự kiến chính thức vận hành vào năm 2025.

 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản pháp lý gồm Nghị định số 101/2024/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Thông tư số 09/2024/TT-BTNMT Quy định về nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và Thông tư số 25/2024/TT-BTNMT Quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Từ năm 2024, công tác hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ thống thông tin đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Các văn bản pháp lý được ban hành kịp thời chính là căn cứ pháp lý đồng bộ, quan trọng cho việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Để bảo đảm mục tiêu hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn quốc vào năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực cho các địa phương, nhất là đối với những tỉnh, thành còn chậm tiến độ.

Cùng đó, Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I)” cũng đang được triển khai mạnh mẽ, nhằm cung cấp phần mềm ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin theo mô hình dữ liệu tập trung, thống nhất trên cả nước trong năm 2025.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại Trung ương 4 khối dữ liệu trọng yếu đã hoàn thành, bao gồm: cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất và cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai. Các dữ liệu này đang được quản lý, vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước hiệu quả.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (tháng 3/2025) ghi nhận, 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo nền tảng dữ liệu vững chắc cho công tác quản lý, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giảm phiền hà cho người dân. Trong số đó, có 462/705 đơn vị cấp huyện đã tham gia chia sẻ dữ liệu đất đai.

Hiện có 484/696 đơn vị cấp huyện (sau khi sát nhập một số đơn vị cấp huyện vào năm 2024) đã hoàn thành số hóa dữ liệu địa chính, với gần 50 triệu thửa đất được đưa vào vận hành. Các thửa đất này đã hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, có 19/63 tỉnh, thành phố đã sử dụng dữ liệu đất đai trong giải quyết thủ tục hành chính về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an. Cùng đó, 49/63 tỉnh, thành phố cũng đã thực hiện kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế, giúp xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai nhanh chóng và chính xác.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, dù chưa hoàn toàn phủ kín cả nước, nhưng những kết quả đạt được rất quan trọng trong công tác quản lý đất đai và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong việc triển khai và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh nghèo và miền núi, triển khai còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực để số hóa và xây dựng, vận hành, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Thêm vào đó, hồ sơ và tài liệu đất đai tại các địa phương được hình thành qua nhiều giai đoạn, khiến thông tin không thống nhất và gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác.

Để giải quyết các khó khăn và đảm bảo mục tiêu sớm hoàn thành Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch hành động; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí; tăng cường phối hợp liên ngành và đặc biệt là đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ, đảm bảo vận hành ổn định, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục