ADB hỗ trợ đô thị loại hai trở thành điểm du lịch cạnh tranh

20:25' - 15/08/2019
BNEWS ADB và 5 tỉnh của Việt Nam đã ký hiệp định Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng–giai đoạn hai”.
Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng ADB tại Việt Nam ký kết thỏa thuận dự án với Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh; ADB

Ngày 15/8, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và UBND các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã ký kết hiệp định Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng–giai đoạn hai”.

Trước đó ADB đã ký thỏa thuận khoản vay trị giá 45 triệu USD với Bộ Tài chính cho dự án này.

Dự án được thiết kế với mục tiêu biến đổi các đô thị loại hai nằm dọc hành lang phía Đông của khu vực Tiểu vùng sông Mekong thành các điểm du lịch cạnh tranh, toàn diện về mặt kinh tế thông qua những cải thiện trong cơ sở hạ tầng giao thông, các dịch vụ đô thị và khả năng quản lý du lịch bền vững.

Dự án được ký kết sẽ giúp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu cần thiết, giúp gia tăng lượng du khách và hoạt động đầu tư cho dịch vụ du lịch tại các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Dự án cũng sẽ phát triển không gian đô thị xanh, bãi biển công cộng ở các địa phương này. Dự án được kỳ vọng mang lại lợi ích cho khoảng 168 nghìn người dân và hơn 8 triệu du khách mỗi năm.

Theo ông Eric Sidgwick-Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, trong những năm trước đây, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của ADB để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường quản lý môi trường tại các điểm du lịch, thúc đẩy sự phát triển của các công ty lữ hành, đồng thời hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực du lịch với các quốc gia ASEAN láng giềng và với khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Kết quả là ngành du lịch đã phát triển nhanh chóng trong các khu vực thuộc dự án, đem lại lợi ích cho hàng ngàn người dân địa phương cũng như các doanh nghiệp sở tại.

ADB có lịch sử hoạt động dài lâu và thành công trong hoạt động hỗ trợ sự phát triển bền vững, toàn diện của ngành du lịch tại Việt Nam.

Đây là dự án du lịch thứ 4 liên tiếp của ADB kể từ năm 2003. Đến nay, đã có 12 tỉnh nhận được sự hỗ trợ phát triển ngành du lịch từ ADB với tổng giá trị hỗ trợ lên tới hơn 110 triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục