ADB: Kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2022

06:44' - 05/05/2021
BNEWS Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Indonesia sẽ trở lại mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước đại dịch COVID-19.

Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Indonesia sẽ trở lại mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước đại dịch COVID-19, với dự báo nền kinh tế này sẽ mở rộng lần lượt là 4,5% trong năm 2021 và 5% vào năm 2022.

Giám đốc ADB tại Indonesia Winfried Wicklein cho biết, Indonesia đã vượt qua năm 2020 một cách tốt đẹp nhờ phản ứng được phối hợp chặt chẽ và truyền thông tốt, cũng như khả năng lãnh đạo mạnh mẽ trong việc giải quyết đại dịch.

Do đó, Indonesia sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm tới nhờ sự phục hồi thương mại bền vững, sự hồi sinh trong lĩnh vực sản xuất và ngân sách hỗ trợ nền kinh tế quốc gia lớn cho năm 2021.

Chi tiêu của các hộ gia đình ở Indonesia dự kiến sẽ tăng vào năm 2021, khi chương trình tiêm chủng đang triển khai mạnh và nhiều thành phần kinh tế hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư dự kiến sẽ tăng trở lại với triển vọng kinh tế được cải thiện.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi tài chính và tín dụng sẽ vẫn tương đối yếu do tâm lý nhà đầu tư không chắc chắn.

Theo ước tính của ADB, lạm phát của Indonesia dự kiến đạt mức trung bình 1,6% vào năm 2020 và 2,4% vào năm 2021.

Tỷ lệ lạm phát này sẽ vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Indonesia, vì áp lực lạm phát do đồng tiền giảm giá và nhu cầu lương thực cao hơn sẽ được bù đắp một phần bởi sự sụt giảm giá hàng hóa do Chính phủ đặt ra.

Hơn nữa, xuất khẩu ròng được hỗ trợ bởi xuất khẩu hàng hóa mạnh sẽ dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 0,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia vào năm 2021.

Khi đầu tư tăng vào năm tới và khối lượng hàng hóa nhập khẩu như máy móc và thiết bị tăng lên, thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia dự kiến sẽ lên tới tương đương 1,3% GDP.

Ông Wicklein cũng cho biết, vẫn có một số rủi ro đối với ước tính này, bao gồm những bất ổn đối với sự phục hồi toàn cầu do mối đe dọa từ chủng virus đột biến, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trên thế giới và thắt chặt tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, ở trong nước, đà phục hồi kinh tế của Indonesia có thể chậm lại nếu có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 trong tháng Ramadan hay sự chậm trễ trong các nỗ lực tiêm chủng.

Do đó, ADB khuyến nghị Indonesia nên huy động các nguồn lực trong nước và phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Tình trạng nợ nần quá mức có thể được khắc phục thông qua việc cải cách tài khóa để mở rộng cơ sở thuế, cải thiện khả năng quản lý, tăng cường việc tuân thủ đóng thuế, đồng thời đóng các lỗ hổng về thuế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục