AfDB thúc đẩy sáng kiến "Biến sa mạc thành năng lượng" để thắp sáng Sahel

08:18' - 15/11/2022
BNEWS AfDB vừa tổ chức sự kiện "Biến sa mạc thành năng lượng: chuyển Sahel từ trạng thái mong manh sang khả năng phục hồi và thịnh vượng"để tìm cách thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực Sahel (châu Phi)..
Tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Giám đốc điều hành khu vực châu Phi của Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh, Joseph Nganga, đã công bố tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập kế hoạch phân bổ 35 triệu USD cho Quỹ Năng lượng Bền vững châu Phi (SEFA).

SEFA là một quỹ đặc biệt quy tụ nhiều nhà tài trợ được tạo ra để cung cấp nguồn tài chính xúc tác nhằm thúc đẩy sự đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo ở "lục địa Đen".

Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Na Uy, Anne Beathe Tvinnereim, cũng đã công bố khoản đóng góp 300 triệu kroner Na Uy (khoảng 29 triệu USD) từ chính phủ nước này để hỗ trợ SEFA.

Với chủ đề "Biến sa mạc thành năng lượng: chuyển Sahel từ trạng thái mong manh sang khả năng phục hồi và thịnh vượng", sự kiện do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) tổ chức trong khuôn khổ Gian hàng Châu Phi của COP27 để thảo luận về cách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân vào Sahel.

Sự kiện là cơ hội để trình bày chi tiết về sáng kiến Desert to Power (Biến sa mạc thành năng lượng) do AfDB phát động vào năm 2019 cho các đối tác tiềm năng và tập hợp các nhà đầu tư để triển khai chương trình.

Tại sự kiện, Chủ tịch AfDB, Akinwumi Adesina, nhấn mạnh tầm quan trọng của điện trong việc đảm bảo an ninh và giảm nghèo. Desert to Power là một sáng kiến trị giá 20 tỷ USD nhằm tạo ra 10.000 MW điện năng lượng Mặt Trời. Một khi được triển khai thành công, đây sẽ là khu vực sản xuất năng lượng Mặt Trời lớn nhất trên thế giới.

Ông Adesina cho biết sáng kiến này được triển khai theo nhiều hướng, bao gồm sản xuất điện Mặt Trời quy mô công nghiệp, các giải pháp năng lượng phi tập trung, truyền tải và phân phối, cải cách các dịch vụ công cũng như một chính sách và môi trường pháp lý hiệu quả để bảo vệ các khoản đầu tư. Chương trình sẽ đóng góp đáng kể vào hành động vì khí hậu, tạo ra một bức tường xanh tuyệt vời chống lại sự sa mạc hóa và các tác động biến đổi khí hậu khác ở châu Phi.

Sáng kiến này hướng đến mục tiêu cung cấp điện năng lượng Mặt Trời cho 250 triệu người dân ở khu vực Sahel, phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự kiến, Desert to Power sẽ tạo ra tổng cộng 10 GW điện năng lượng Mặt Trời vào năm 2030 ở 11 quốc gia, nơi 64% dân số sống không có điện với những hậu quả về giáo dục, y tế và kinh doanh. Các quốc gia bao gồm Senegal, Nigeria, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, CH Chad, Sudan, Ethiopia, Djibouti và Eritrea sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục