Agribank chung tay cùng ngư dân khắc phục hậu quả cá chết

17:31' - 13/07/2016
BNEWS Với vai trò là Ngân hàng chủ lực Agribank kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung nhanh chóng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Agribank chung tay cùng ngư dân khắc phục hậu quả cá chết. Ảnh minh họa: Trần Việt-TTXVN

Sự cố môi trường do nguyên nhân từ nhà máy Formosa xảy ra đầu tháng 4 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân và đồng bào tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Với vai trò là Ngân hàng chủ lực đầu tư tín dụng cho các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung nhanh chóng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay của Agribank tại 4 tỉnh này là hơn 27.000 tỷ đồng, đã có 6.850 khách hàng với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng bị thiệt hại và hàng chục ngàn khách hàng bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết hàng loạt.

Toàn bộ hệ thống Agribank trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã thực hiện miễn 1 tháng tiền lãi vay của ngư dân; dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng hơn 1000 tỷ đồng; ưu tiên vốn 500 tỷ đồng có ưu đãi lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới. Đối với trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, sẽ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ…

Agribank Thừa Thiên Huế là ngân hàng đầu tiên thực hiện các chính sách để chia sẻ với các khách hàng vay bị thiệt hại trong sự cố thủy, hải sản chết tại Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế cho biết, thiệt hại do sự cố Formosa xảy ra tại Thừa Thiên Huế ước khoảng 135 tỷ đồng, tổng số tàu thuyền bị ảnh hưởng là 2.939 chiếc, số hộ gia đình bị ảnh hưởng 6.212 hộ.

Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế cũng cho hay, khi sự việc thủy, hải sản chết xảy ra, ngay lập tức chi nhánh đã thực hiện miễn giảm lãi cho các hộ vay bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; cơ cấu lại nợ; đồng thời cho vay mới khi khách hàng chuyển đổi ngành nghề.

Tính đến ngày 11/5/2016, Agribank Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thủy hải sản chết bất thường đối với 330 khách hàng, dư nợ bị thiệt hại 13.860 triệu đồng.

“Hiện nay chi nhánh đã và đang thống kê mức độ thiệt hại trực tiếp, riêng mức độ thiệt hại gián tiếp vẫn còn một số khách hàng bị thiệt hại nhưng chưa xác định được số thiệt hại cụ thể.

Agribank Thừa Thiên Huế đang phối hợp với chính quyền địa phương để xác định số thiệt hại cụ thể.

Từ ngày 11/5/2016 đến nay không có phát sinh số thiệt hại thủy hải sản”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Quảng Bình cũng khẳng định, Agribank Quảng Bình sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo để thực hiện nghiêm túc các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đối với ngư dân và nhân dân vùng bị thiệt hại.

Qua đó tạo điều kiện cho bà con sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống.

Việc bà con ngư dân sớm ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh là tiền đề quan trọng để những khách hàng của Agribank khôi phục kinh tế và hoàn trả nợ vay ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục