Ai Cập nêu bật ảnh hưởng từ việc xây dựng Đập thủy điện Đại phục hưng

08:01' - 24/03/2023
BNEWS Ai Cập cho rằng việc Ethiopia tiếp tục các hành động đơn phương liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng đang đe dọa 150 triệu dân Ai Cập và Sudan, có thể làm gia tăng "tình trạng di cư bất thường".

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu trên của Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập Hani Sewilam được đưa ra tại Hội nghị về Nước 2023 của Liên hợp quốc (LHQ), được tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 22-24/3.

 

Ông Sewilam nêu rõ việc xây dựng GERD được triển khai mà không có sự tham vấn cũng như các nghiên cứu đầy đủ về an toàn hoặc các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của đập đối với các quốc gia hạ nguồn".

Theo ông Sewilam, Ethiopia đã đơn phương xây dựng, tích nước và vận hành GERD. Ông nói: "Các hành động đơn phương này vi phạm luật pháp quốc tế. Hơn nữa, việc Ethiopia tiếp tục các hành động đơn phương có thể gây ra mối đe dọa cho 150 triệu dân của Ai Cập và Sudan".

Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập cho rằng việc tiếp tục vận hành một con đập quá lớn vào thời điểm hạn hán kéo dài có thể khiến Ai Cập mất gần 15% diện tích đất nông nghiệp và khiến hơn 1,1 triệu người rời bỏ thị trường lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế-xã hội và có thể làm tăng gấp đôi chi phí nhập khẩu lương thực của Ai Cập.

Hơn 98% nguồn nước của Ai Cập bắt nguồn từ sông Nile. Là nước đứng đầu danh sách các quốc gia khô hạn vì có lượng mưa thấp nhất toàn cầu, Ai Cập hiện đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Lượng nước bình quân đầu người hàng năm của Ai Cập chỉ ở mức 500 m3, trong khi LHQ xác định mức khan hiếm nước là 1.000 m3 nước/người/năm. Mặc dù nông nghiệp là nguồn sinh kế của hơn 50% dân số, song Ai Cập mới đáp ứng được 45% nhu cầu về nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục