Ai Cập tiến tới lập trung tâm tiếp liệu LNG cho tàu thuyền qua kênh đào Suez

08:19' - 30/10/2022
BNEWS Ngày 29/10, Ai Cập đã ký ý định thư với 4 công ty quốc tế để tiến hành nghiên cứu khả thi nhằm thành lập một trung tâm trung cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho các tàu thuyền đi qua kênh đào Suez.

Theo phóng viên TTXNV tại Cairo, trong một tuyên bố, Bộ Dầu mỏ và Khoáng sản Ai Cập cho hay thỏa thuận này được ký giữa Công ty cổ phần khí đốt tự nhiên Ai Cập (EGAS) với các đối tác bao gồm Shell Global, Pyramid Navigation, Infinity Solar, và Eagle Oil & Gas.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc nghiên cứu các khả năng thành lập một công ty chung nhằm tiến hành nghiên cứu và đề ra những phương án tốt nhất để thực hiện dự án.

Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản Tarek El-Molla khẳng định Ai Cập đang tìm cách tận dụng vị trí của mình để biến quốc gia Bắc Phi này thành một trung tâm khu vực về thương mại năng lượng, đặc biệt là tài nguyên sạch, phù hợp với kế hoạch tối đa hóa việc sử dụng năng lượng sạch và carbon thấp.

Theo ông El-Molla, Ai Cập có thể đủ khả năng để trở thành một trung tâm quốc tế cung cấp LNG cho các tàu thuyền nhờ vị trí chiến lược của mình do kênh đào Suez mang lại, cũng như dự trữ dồi dào về LNG. Từ cuối năm 2018, Ai Cập đã đạt được khả năng tự cung cấp khí đốt, nhờ vào những phát hiện liên quan tới mỏ khí đốt khổng lồ Zohr ở Địa Trung Hải.

Theo ông Mohamed Abdel-Aziz, cố vấn của Tổng thống về các cảng tại Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZone), Ai Cập đang có kế hoạch cung cấp dịch vụ tiếp liệu cho các tàu thuyền đi qua kênh đào Suez bắt đầu từ quý I/2023.

Phát biểu với hãng thông tấn chính thức của Ai Cập MENA, ông Abdel-Aziz cho biết các dịch vụ mới sẽ được cung cấp tại thành phố Port Said và Suez ở khu vực phía bắc và phía nam của kênh đào. Theo ông Abdel-Aziz, có tới 25 dịch vụ mới sẽ được cung cấp cho các tàu đi qua cảng Sokhna, nằm ở phía nam kênh đào Suez, bao gồm sơ tán y tế, cung cấp hàng hải, sửa chữa khẩn cấp nhỏ, cũng như cung cấp thực phẩm, nước và dầu.

Kênh đào Suez là tuyến đường hàng hải ngắn nhất kết nối giữa châu Âu và châu Á và chiếm khoảng 12% trao đổi thương mại toàn cầu. Tuyến đường thủy quốc tế dài 193 km này mang lại doanh thu kỷ lục 7 tỷ USD cho Ai Cập trong năm tài chính hiện tại 2021/2022, tăng từ mức 5,7 tỷ USD của năm tài chính trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục