Airbus trước triển vọng "hồi sinh" đi cùng với thách thức

05:30' - 22/08/2021
BNEWS Một câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp hàng không thế giới sẽ phục hồi với tốc độ như thế nào? Thực tế hiện nay cho thấy có một số yếu tố dường như có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu mới.

Phân tích về những triển vọng và thách thức để phục hồi tăng trưởng của Airbus, nhật báo Libération số ra gần đây cho rằng cả hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing đều đang kỳ vong sẽ hồi phục nhanh hơn dự kiến, và thậm chí vượt mức sản xuất trước khủng hoảng của họ. 

Đây là tín hiệu tốt lành cho lĩnh vực hàng không vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp hàng không thế giới sẽ phục hồi với tốc độ như thế nào? Thực tế hiện nay cho thấy có một số yếu tố dường như có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu này.

Như một cách ví von thú vị, Giám đốc điều hành của Airbus Guillaume Faury đã tưởng tượng sự phục hồi của ngành hàng không gần giống với tốc độ của Concorde (máy bay chở khách siêu thanh) hơn là ULM (hàng không siêu nhẹ). Vào cuối tháng 7, ông Guillaume Faury đã điều chỉnh tăng các mục tiêu thương mại và tài chính của Airbus. 

Trong một thông cáo báo chí về kết quả hoạt động nửa đầu năm 2021, ông Faury tuyên bố: "Các biện pháp mà chúng tôi triển khai đã mang lại những cơ sở khả thi vững chắc cho việc điều chỉnh. Do vậy chúng tôi đã nâng mức dự báo 2021 lên cao hơn mặc dù tình hình vẫn chưa thể dự đoán trước".

* Sự "hồi sinh" là có...

Tình trạng của các nhà sản xuất máy bay lớn nhất nhì thế giới này đã cải thiện rõ rệt. Lợi nhuận ròng được công bố trong sáu tháng đầu năm là 2,2 tỷ euro. Cùng kỳ này trong năm 2020, tập đoàn đã phải chịu một khoản lỗ 945 triệu euro. Airbus, giống như đối thủ cạnh tranh Boeing, đã được hưởng lợi từ việc nối lại các đơn đặt hàng từ một số hãng hàng không. 

Đặc biệt là đơn hàng gây sốc của hãng hàng không United Airlines với 200 chiếc Boeing 737 Max và 70 chiếc Airbus A321neo, hay gói thầu mà Air France-KLM công bố hồi giữa tháng 7/2021 cho 160 máy bay tầm trung. Dự kiến hai đối thủ này sẽ cán mốc 1.000 máy bay được giao năm 2021, trong đó Airbus đã giao 344 chiếc vào cuối tháng 7/2021.

Trong khi đó, mặc dù sản lượng của nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus có giảm, nhưng vẫn có những biểu hiện của sự phục hồi. Lượng máy bay tầm trung A320 sản xuất đã giảm xuống còn 40 chiếc mỗi tháng so với 60 chiếc trước khủng hoảng, song ông Guillaume Faury hy vọng sản lượng sẽ quay trở lại mức này vào giữa năm 2022 và thậm chí vượt qua ngưỡng đó, có thể đạt 75 chiếc vào năm 2025. Điều này mang lại hy vọng cho những ai nghĩ rằng giao thông hàng không vẫn ảm đạm và các đường bay tầm trung chỉ bình thường trở lại vào cuối năm 2023.

* ... nhưng nhu cầu thị trường chưa chắc chắn

Liệu ông chủ của Airbus có quá lạc quan không khi mà nhà sản xuất này vẫn đang phải đối mặt với những vụ hủy đơn hàng, tuy không nhiều như năm ngoái, nhưng không hẳn là ít? Vào tháng 2/2021, hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, đã thông báo hủy toàn bộ 88 đơn đặt hàng máy bay một lối đi của mình. Gần đây nhất, CSA Czech Airlines cũng đã thông báo chính thức việc hủy đơn đặt hàng 7 chiếc máy bay.

Đó là chưa kể việc nối lại giao thông hàng không vẫn chưa thể phát đi những tín hiệu khả quan. Trên toàn cầu, nguồn cung hàng không đã giảm xuống mức 70% của năm 2019 và mức độ nhu cầu chênh lệch rất lớn giữa các khu vực trên thế giới. 

Hơn nữa, việc phục hồi nếu có chỉ liên quan đến các tuyến bay tầm trung. Số lượng các chuyến bay quốc tế đường dài vẫn thấp hơn 50% so với năm 2019. Cùng với đó, sự bùng phát của biến thể Delta trên thế giới khiến cho mọi thứ trở nên không chắc chắn. Trong bối cảnh này, việc tăng sản lượng máy bay đường dài dường như là khả thi.

Thêm vào đó là Airbus và các nhà thầu phụ của mình hiện vẫn chưa tìm được sự đồng điệu. Olivier Andriès, Giám đốc điều hành của Safran, công ty cung cấp phần lớn động cơ A320, cảm thấy nghi ngại khi đối tác Airbus mong muốn nâng sản lượng máy bay tầm trung vượt quá sản lượng trước khủng hoảng. 

"Chúng tôi không chắc rằng liệu thị trường có đủ sức tiêu thụ cho mức tăng như vậy và việc tăng trên 60 chiếc mỗi tháng liệu là có bền vững hay không?", ông Andriès đã chia sẻ điều này vào cuối tháng 7/2021 trong buổi trình bày kết quả kinh doanh nửa đầu năm của công ty. Ngoài ra, các đối tác khác của Airbus cũng vẫn đang nghe ngóng một cách dè dặt. Ví dụ như Latécoère gần đây mới chỉ dám thực hiện khoản vay 130 triệu euro do được chính phủ bảo lãnh.

Cuối cùng, tham vọng của Airbus và lãnh đạo của họ có thể được xem là một cách để trấn an các cổ đông. Chuyên gia kinh tế hàng không Gabriel Colletis trong một cuộc phỏng vấn với L'Humanité đã từng nhận định: "Airbus cực kỳ chú trọng đến giá cố phiếu của họ trên thị trường chứng khoán và ngay lập tức tìm cách thích ứng với tình hình kinh tế để duy trì chỉ số này". 

Ông này Gabriel Colletis rất phản ứng khi nhà sản xuất máy bay châu Âu thông báo kế hoạch cắt giảm nhân lực lớn nhất trong lịch sử của họ do dịch bệnh COVID-19, làm ảnh hưởng đến 15.000 trong số 135.000 nhân viên của hãng trên toàn thế giới. Riêng tại Pháp, từ đầu mùa dịch đến nay, 4.248 việc làm tại Airbus đã bị cắt giảm, song không có một trường hợp nào phải nghỉ việc một cách cưỡng bức nhờ vào hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự tự nguyện xin nghỉ việc và nghỉ hưu sớm.

Tuy nhiên, chuyên gia Gabriel Colletis công nhận rằng trong khi chờ đợi mức sản xuất trở lại như giai đoạn trước khủng hoảng, ít nhất trị giá cổ phiếu của Airbus đang dần phục hồi. Cổ phiếu của hãng này đã từng rơi xuống mức 49 euro/cổ phiếu vào tháng 4-5/2020, và hiện đã lên đến 115 euro/cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục