Alibaba - Định vị lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới

10:16' - 13/11/2021
BNEWS 84,54 tỷ USD là tổng giá trị các đơn hàng mà "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd của Trung Quốc đã kiếm được trong sự kiện bán hàng nhân ngày Lễ Độc thân 11/11.

Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến sức mua chững lại thời gian qua, cũng như các chính sách siết chặt kiểm soát của cơ quan chức năng Trung Quốc, kết quả kinh doanh của Alibaba vẫn cho thấy sự tăng trưởng 14% so với năm ngoái. 

Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân ở Trung Quốc hiện đã vượt qua cả Black Friday hay Cyber Monday về quy mô và ​trở thành thước đo tâm lý của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tạo giá trị cho cộng đồng

Từ sự khởi đầu khiêm tốn cách đây 13 năm, Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 11/11 đã trở thành một sự kiện mua sắm hàng năm và hiện tượng toàn cầu. Trong nhiều năm, đây là sự kiện kéo dài 24 giờ vào đúng ngày 11/11. Tuy nhiên, các hãng gần đây đã mở rộng thành chương trình khuyến mãi kéo dài trong suốt 11 ngày, từ ngày 1 đến 11/11. 

Nhắc đến Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 11/11 là nhắc đến Alibaba. Ngày Độc thân từ lâu đã được "gã khổng lồ" này sử dụng để thể hiện sức mạnh bán hàng và tiếp thị. Lễ hội mua sắm lớn nhất năm thường có các buổi dạ tiệc đếm ngược công phu trong vài giờ trước ngày 11/11, với sự xuất hiện của các siêu sao quốc tế như Taylor Swift hay Katy Perry. Mặt hàng mà "gã khổng lồ" này tập trung nhắm tới người tiêu dùng thường là máy giặt, điện thoại thông minh, đồ trang điểm...

Tuy nhiên, lễ hội mua sắm năm nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Các hoạt động quảng bá tương đối im ắng. Alibaba chuyển hướng tập trung vào tính bền vững môi trường và bình đẳng xã hội với các sáng kiến như hỗ trợ người khuyết tật mua quần áo và các nỗ lực nhằm sử dụng nhiều hơn nữa bao bì thân thiện với môi trường.

Dù vậy, sự kiện vẫn thu hút hàng triệu người bán hàng và các tín đồ mua sắm vẫn không thể ngừng "chốt đơn". Trước đó, giới phân tích dự báo tổng giá trị đơn hàng của Alibaba sẽ tăng nhẹ trong năm nay do doanh số bán lẻ chậm lại, tình trạng thiếu nguồn cung, cuộc khủng hoảng điện trong nước và ảnh hưởng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

Ông Chris Tung, Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Alibaba chia sẻ: "Giá trị mà Lễ hội 11/11 mang lại không chỉ là con số doanh thu, mà Alibaba muốn khẳng định cam kết trong việc xây dựng tương lai cho nền kinh tế và tiêu dùng trực tuyến. Những công nghệ tiên tiến nhất được tận dụng để hỗ trợ các thương hiệu và nhà bán hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện hiệu quả hơn".

Theo vị Giám đốc này, trong giai đoạn đầu của sự kiện 11/11, tập đoàn Alibaba tập trung vào tăng trưởng, giống như cách mà các bậc cha mẹ tập trung phát triển chiều cao và sức khoẻ của một đứa trẻ. Nhưng khi đứa trẻ trở thành thiếu niên, cha mẹ chuyển trọng tâm sang việc nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm của chúng. 

"Giờ đây, sự kiện 11/11 đã trở thành một 'thiếu niên trưởng thành', điều quan trọng đối với tập đoàn Alibaba hiện nay là phải tập trung vào việc xây dựng hệ thống giá trị của mình, từ đó tìm thấy khả năng tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội nói chung", ông Chris Tung ví von.

Củng cố vị thế

Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc rất lớn vì có dân số đông, nhóm dân số có thu nhập trung bình được mở rộng và mức sống ngày càng cao. Năm ngoái, thương mại điện tử Trung Quốc đạt tăng trưởng 20%, tương đương 2.200 tỷ USD, theo eMarketer.

Trong hơn một thế kỷ qua, Alibaba là nhà vô địch mảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Doanh thu của Alibaba đến nay vẫn lấn át các công ty thương mại điện tử Trung Quốc khác. Tuy nhiên, quy mô lớn của Alibaba khiến nó lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý.

Đầu năm nay, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc xác định Alibaba đã lạm dụng vị thế trên thị trường để ngăn các nhà bán hàng hợp tác với các nền tảng đối thủ. Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD hồi tháng 4. Thời điểm đó, Alibaba chấp nhận án phạt và hứa sẽ tuân thủ.

Dù vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng áp lực quản lý gia tăng đối với các công ty công nghệ lớn sẽ tiếp tục hạn chế khẳng năng phản ứng nhanh và quyết liệt với các đối thủ mới trên thị trường của Alibaba.

Hiện tại, các đối thủ mới của Alibaba như Tencent, Pinduoduo và Douyin, đang tận dụng tốt thời cơ khi người dùng thay đổi thói quen mua sắm khi lướt web hoặc tương tác cùng nội dung số thay vì tìm kiếm sản phẩm có chủ đích. Có thể kể tới Tencent khi tích hợp cửa hàng trực tuyến vào ứng dụng nhắn tin WeChat, Pinduoduo cho phép mua theo nhóm với giá thấp hơn và Douyin bán hàng thông qua video ngắn và livestream.

Alibaba cũng phản ứng lại bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực như sáng tạo nội dung, livestream và chiết khấu giá hàng. Hồi tháng năm, ông Daniel Zhang, CEO Aliababa, thừa nhận cạnh tranh tăng mạnh là một trong những rào cản lớn nhất mà Alibaba gặp phải trong năm 2020.

Mới đây nhất, vào tháng 9/2021, Alibaba thông báo sẽ đầu tư 100 tỷ NDT (16 tỷ USD) vào năm 2025 để ủng hộ chiến lược thúc đẩy "sự thịnh vượng chung". Tháng 10/2021, Alibaba cũng ra mắt một phiên bản của nền tảng thương mại điện tử Taobao được thiết kế phù hợp với người cao tuổi. Đối với Ngày Độc thân năm nay, Alibaba đã phối hợp với các đối tác để phát triển các sản phẩm mới với lượng phát thải carbon thấp hơn, cũng như cam kết đóng góp các khoản từ thiện.

Những kết quả mà Alibaba đang đạt được là niềm mơ ước của bất kỳ một hãng thương mại điện tử nào trên thế giới, tuy nhiên, có vẻ như tham vọng chưa dừng lại ở đó!./. 

>>>Primark - thành danh từ chiếc áo 3,5 USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục