Ấn Độ mất 6,6 triệu việc làm cổ cồn trắng chuyên nghiệp

05:30' - 18/09/2020
BNEWS Báo cáo của Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) nêu rõ, số lượng việc làm bị mất nhiều nhất ở những người làm công ăn lương là nhóm nhân viên cổ cồn trắng chuyên nghiệp và những nhân viên khác.

Theo ước tính, Ấn Độ mất khoảng 6,6 triệu việc làm cổ cồn trắng chuyên nghiệp, như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, trong giai đoạn từ tháng 5-8/2020, đưa việc làm của nhóm này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 và xóa sạch thành quả đạt được trong 4 năm qua, trong khi 5 triệu công nhân công nghiệp cũng mất việc trong giai đoạn này.

Báo cáo của Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) nêu rõ, số lượng việc làm bị mất nhiều nhất ở những người làm công ăn lương là nhóm nhân viên cổ cồn trắng chuyên nghiệp và những nhân viên khác.

Những người này bao gồm kỹ sư phần mềm, bác sĩ, giáo viên, kế toán, nhà phân tích và những người có trình độ chuyên môn, được tuyển dụng trong một số tổ chức tư nhân hoặc nhà nước.

Báo cáo có đoạn: “Từ mức đỉnh điểm 18,8 triệu nhân viên cổ cồn trắng chuyên nghiệp được tuyển dụng trong tháng 5-8/2019, việc làm của nhóm này giảm xuống còn 12,2 triệu trong tháng 5-8/2020. Đây là mức việc làm thấp nhất của nhóm này kể từ năm 2016”.

Tất cả những thành quả đạt được về việc làm của họ trong 4 năm qua đã bị xóa sạch trong thời gian thực thi lệnh phong tỏa.

Cũng theo CMIE, thiệt hại việc làm lớn tiếp theo thuộc về nhóm những người lao động công nghiệp. Bằng một so sánh tương tự, nhóm này đã mất 5 triệu việc làm, tương đương mức giảm 26% số việc làm của công nhân công nghiệp trong một năm qua.

Tuy nhiên, tình trạng mất việc làm của công nhân thuộc lĩnh vực công nghiệp dường như chủ yếu diễn ra ở các cơ sở công nghiệp nhỏ hơn, phản ánh tình trạng khó khăn trong các cơ sở công nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong thời gian gần đây.

Báo cáo lưu ý, lệnh phong tỏa không ảnh hưởng đến các nhân viên cổ cồn trắng văn thư, vốn chủ yếu bao gồm các nhân viên bàn giấy, như thư ký văn phòng và người nhập dữ liệu… Một nguyên nhân lý giải cho việc này có thể là do công việc của họ chuyển sang chế độ làm việc tại nhà.

CMIE trước đó ước tính 121 triệu việc làm đã bị mất ở Ấn Độ trong tháng 4/2020. Hầu hết trong số đó đã được khôi phục vào tháng Tám vừa qua, nhưng tình trạng của nhóm làm công ăn lương đang tiếp tục xấu đi./.

>>Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu chững lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục