Ấn Độ trước nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba do biến thể mới

16:21' - 09/07/2021
BNEWS Sự xuất hiện của các biến thể Delta và Delta Plus của virus SARS- CoV-2 một lần nữa đặt Ấn Độ vào tình trạng cảnh giác cao độ.

Hai tuần sau khi Chính phủ Ấn Độ xếp biến thể COVID-19 Delta Plus vào danh sách “ đáng quan ngại”, các chuyên gia y tế cho biết Delta Plus, được đặt tên kỹ thuật là B.1.617.2.1 hoặc AY.1, thực ra là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra của nước này hồi tháng 10/2020 và giờ đã có mặt tại ít nhất 96 quốc gia trên thế giới.

Ca nhiễm biến thể Delta Plus đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ ngày 11/6, đặt ra một thách thức mới, bất chấp việc nước này đang triển khai tiêm chủng đại trà.

Ban đầu, biến thể Delta Plus được Bộ Y tế Ấn Độ xếp vào danh sách “đáng quan tâm”, sau đó nâng lên thành “đáng quan ngại” khi biến thể này bộc lộ những đặc điểm như dễ lây truyền hơn, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng, một liệu pháp truyền kháng thể mạnh qua đường tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus, từ đó giảm hiệu quả của điều trị và vaccine.

Trong khi biến thể Delta được cho là tác nhân chính của đợt bùng phát thứ hai tại Ấn Độ, biến thể Delta Plus đe dọa gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Giáo sư miễn dịch học phân tử Sunit K. Singh của Viện Khoa học Y tế, Đại học Banaras Hindu, cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến thể Delta Plus có khả năng tái tạo nhanh hơn, lây lan dễ dàng hơn và liên kết mạnh mẽ hơn với các thụ thể tế bào phổi.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu chưa được công bố chính thức, các nhà khoa học ở Delhi đã phát hiện ra biến thể gây ra 3/4 số ca nhiễm sau khi tiêm trong thành phố, 76% trong số các ca này mang biến thể Delta.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch, ông Hindu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng hàng loạt và tăng cường giám sát bộ gen để theo dõi sự tiến hóa của virus. Chuyên gia lý giải đột biến có nghĩa là virus đã thoát khỏi hệ thống miễn dịch ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như Delta đã chứng minh khả năng làm giảm phần nào hiệu quả của vaccine.

Theo giáo sư Singh, khả năng bảo vệ của mũi vaccine thứ nhất có thể giảm, song mũi thứ hai đã được chứng minh là tạo ra đủ kháng thể giảm số ca nhiễm có triệu chứng và bệnh nặng. Điều quan trọng cần nhớ là hầu hết vaccine COVID-19 không cung cấp khả năng miễn dịch tuyệt đối, nhưng có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Shahid Jameel, nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ và là cựu thành viên của Tổ chức Bộ gen SARS-CoV-2 Ấn Độ, cũng bày tỏ lo ngại về biến thể Delta Plus, nhấn mạnh rằng đột biến mới có khả năng né tránh miễn dịch, cả từ vaccine cũng như từ các kháng thể sinh ra ở người đã mắc COVID-19 trước đó.

Theo ông Jameel, Delta Plus không phải là một đột biến ngẫu nhiên, và vì đây là đột biến của một biến chủng “đáng quan ngại”, nên việc xếp nó vào mức độ này là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, hiện tại chưa có dữ liệu nào để bình luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Delta Plus.

Trái ngược với quan điểm của chuyên gia Jameel, một chuyên gia y tế công cộng tại New Delhi, ông Anant Bhan cho rằng biến thể Delta Plus mới chỉ xuất hiện ở Ấn Độ với số lượng hạn chế, do đó đây chưa hẳn là tác nhân chính gây lo lắng. Ông Bhan đề nghị theo dõi tốc độ lây lan của Delta Plus song song với duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng cường phạm vi tiêm chủng.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta có mặt ở gần 100 quốc gia và cảnh báo rằng trong những tháng tới, chúng có khả năng lây truyền cao sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế của SARS-CoV-2 trên toàn cầu.

Trong Bản cập nhật dịch tễ hàng tuần COVID-19 gần đây, WHO thông báo 96 quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta và với khả năng lây nhiễm nhanh, Delta dự kiến sẽ nhanh chóng vượt qua các biến thể khác và thống trị trong những tháng tới.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định biến thể Delta là "biến thể dễ lây truyền nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay" và đang lây lan nhanh chóng trong các cộng đồng chưa được tiêm chủng.

Chương trình tiêm chủng ở Ấn Độ bắt đầu từ ngày 15/1 và đến ngày 8/7 đã triển khai tiêm hơn 364 triệu liều vaccine ngừa COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục