An toàn giao thông cho các tuyến cao tốc

13:15' - 02/05/2017
BNEWS Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường bộ cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông nước ta, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Song đi cùng với nó là những bất cập nảy sinh, đặc biệt là việc bảo đảm an toàn giao thông đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.

Gia tăng vi phạm

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các tuyến đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác và sử dụng đến thời điểm này gồm cao tốc: Pháp Vân - Ninh Bình, Nội Bài- Lào Cai, Nội Bài - Bắc Ninh, Hà Nội -Thái Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội- Hải Phòng.… với tổng chiều dài hơn 700 km.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: TTXVN

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, gần đây trên một số tuyến cao tốc tình hình trật tự an toàn giao thông đang diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Những hiện tượng vi phạm phổ biến bao gồm việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tình trạng xe khách dừng đón trả khách trên cao tốc. Hay người dân băng qua đường để sản xuất, đi xe máy lên đường, ném đá các phương tiện lưu thông trên cao tốc…
Có thể kể một vài ví dụ như mới đây Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã mời ông Nguyễn Gia Long (quê tỉnh Hà Nam) tới làm việc về hành vi điều khiển xe tải BKS: 90C.05908 đi ngược chiều trên đại lộ Thăng Long. Người này đã bị xử phạt 1 triệu đồng, tước giấy lái phép lái xe 2 tháng.
Cũng về hành vi vi phạm trên đường cao tốc, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phải có công văn đề nghị xử lý nghiêm hành vi ném đá trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Trước đó, cơ quan này cũng phải có công văn đề nghị xử lý 3 xe con đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang….
Hay trong năm 2016, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xuất phát từ ý thức người lái xe; trong đó phải kể đến vụ tai nạn do hành vi đi ngược chiều của một tài xế, dẫn đến hậu quả một người tử vong, 2 xe ô tô hư hỏng nặng.
Mức độ gia tăng các hành vi vi phạm giao thông trên các tuyến cao tốc ngày càng đáng báo động, vì vậy vừa qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải có công văn yêu cầu các đơn vị khai thác các tuyến cao tốc phải khẩn trương báo cáo thống kê các xe vi phạm trên đường cao tốc để làm cơ sở xử lý.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm giao thông trên các tuyến cao tốc, ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, các hành vi vi phạm an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc đang có chiều hướng gia tăng; trong đó lỗi do ý thức của người điều khiển phương tiện vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Khảo sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc do ý thức người dân chiếm khoảng 43%, do phương tiện là 15%. Tai nạn giao thông do ý thức người điều khiển phương tiện như ngủ gật, mất lái, vượt sai quy định, không giữ khoảng cách an toàn, không làm chủ tốc độ, đặc biệt là đi ngược chiều...
Là đơn vị quản lý công tác vận hành các tuyến cao tốc thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam cũng nhận định một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc là ý thức của người tham gia giao thông.

Cụ thể, trên các cao tốc do VEC quản lý các hành vi vi phạm chủ yếu là dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; tình trạng ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường; hay tình trạng xe quá tải…
Theo ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Ban Quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mặc dù đã liên tục khuyến cáo, song lâu nay vẫn có nhiều trường hợp tài xế dừng xe vào làn khẩn cấp để nghỉ ngơi mà không vào trạm dừng nghỉ, trong khi đã có quy định cấm dừng đỗ trên cao tốc, xe chỉ được dừng khi gặp sự cố kỹ thuật. Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc.
Ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc còn cho rằng dù các cơ chế quản lý, vận hành và khai thác các tuyến đường bộ cao tốc đã được xây dựng và ban hành nhưng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông trên những tuyến này chưa được chú trọng nhiều, mới chỉ tập trung tuyên truyền trong các đợt cao điểm.
“Về mặt kết cấu hạ tầng đường cao tốc hiện vẫn còn nhiều bất cập như biển báo chưa đồng bộ, trên một số tuyến nhiều biển báo vẫn còn nhỏ, dẫn đến lái xe không quan sát được. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều lái xe đi ngược chiều thời gian qua. Ví dụ như nút giao Pháp Vân, nhiều lái xe phản ánh là thường xuyên bị đi nhầm”, ông Nguyễn Văn Quyền thông tin.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để nâng cao hiệu quả sử dụng đường cao tốc, thì không đưa vào khai thác các tuyến đường chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Đường cao tốc phải thông thoáng, không ùn tắc.

Vì vậy, trong thời gian tới cần phải kiên quyết không đưa vào khai thác những tuyến cao tốc chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người tham gia giao thông hiểu các quy định khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, để hạn chế các hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc, trước hết cần hoàn thiện quy định pháp luật trong đó bổ sung các quy định về tham gia giao thông liên quan tới đường cao tốc vào trong Luật Giao thông đường bộ trong đợt sửa đổi sắp tới và các văn bản pháp luật có liên quan.
“Bên cạnh đó cần tăng cường quản lý, xử phạt chéo; đồng thời cân nhắc, quy hoạch các vị trí đón trả khách theo giờ, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân mà vẫn đảm bảo tính an toàn”, ông Minh cho hay.

Nhiều chủ phương tiện xe máy cố tình lưu thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN

Còn theo các chuyên gia giao thông, các cơ quan quản lý, khai thác đường cao tốc phải rà soát, kiểm tra và hoàn thiện tổ chức biển giao thông: biển báo, biển cảnh báo về duy trì tốc độ, khoảng cách, những thông tin cần thiết, hỗ trợ cứu nạn khẩn nguy trong trường hợp xe bị hỏng.

Đề nghị các đơn vị quản lý và đầu tư, các chủ đầu tư hoặc các đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng khẩn trương hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ, đó chính là chỗ để kết nối giữa các dịch vụ vận tải hành khách công cộng với người dân.
Đối với hành vi dừng, trả khách trên đường cao tốc, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, Nguyễn Văn Quyền cho rằng các đơn vị chức năng cần có giải pháp mạnh. Nếu những doanh nghiệp kinh doanh vận tải nào có xe vi phạm an toàn giao thông mà đã được nhắc nhở nhưng tái phạm thì cơ quan nhà nước có thể từ chối cấp lại phù hiệu kinh doanh vận tải hoặc đến kỳ đăng kiểm cũng bị từ chối đăng kiểm…
“Một vấn đề nữa là trách nhiệm của cơ quan quản lý, khai thác đường cao tốc. Cơ quan này phải thường xuyên đi tuần đường, phát hiện và thông tin kịp thời đến lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các vị trí xe ô tô hay dừng đỗ đón trả khách, người dân hay vượt hàng rào, đề nghị địa phương phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm. Thậm chí, có quyền từ chối phục vụ khi những xe đó thường xuyên đón trả khách trên đường cao tốc”, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định./.

>>> VEC sẽ điều chỉnh, bổ sung, thay đổi trên 2.300 biển báo ở ba tuyến cao tốc


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục