Anh cảnh báo mức tăng thuế hải quan sẽ gây thiệt hại cho ô tô điện

09:58' - 20/10/2023
BNEWS Ngành công nghiệp ô tô của Vương quốc Anh cảnh báo mức tăng thuế hải quan 10% sẽ gây thiệt hại đối với các ô tô điện được vận chuyển qua Eo biển Manche.

Vương quốc Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm 2021 sau khi đạt được thỏa thuận thương mại tự do cuối cùng nhằm loại bỏ thuế quan đối với ô tô. Nhưng theo điều kiện “quy tắc xuất xứ” của thỏa thuận đối với hàng hóa qua biên giới, kể từ ngày 1/1/2024, ít nhất 45% phụ tùng trong xe phải có xuất xứ từ Anh hoặc EU để được miễn thuế hải quan.

 
Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Anh (SMMT) cho biết điều này có thể khiến giá mỗi chiếc ô tô do Anh sản xuất được bán ở châu Âu tăng thêm 3.600 bảng Anh (4.385 USD). Các xe nhập từ châu Âu vào nước này cũng có thể chịu mức tăng giá gần như tương đương.

Giám đốc điều hành SMMT Mike Hawes nói rằng ngành ô tô đã lên tiếng về vấn đề này trong nhiều tháng nay và cho rằng quy tắc xuất xứ là mối đe dọa lớn đối với họ.

Pin ô tô điện thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, bất chấp nỗ lực thành lập các nhà máy sản xuất pin lớn của các doanh nghiệp Anh. Ông Hawes cho biết việc tăng thuế chỉ khiến những sản phẩm ô tô điện của Anh trở nên kém cạnh tranh, từ đó khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn các phương tiện chạy bằng xăng, dầu diesel hoặc giữ lại chiếc ô tô họ đang sở hữu. Điều này sẽ làm suy yếu khả năng giảm lượng khí thải carbon của nước Anh.

Vào cuối tháng Chín Ủy viên thị trường nội khối EU, ông Thierry Breton, làn nguội phần nào hy vọng của ngành ô tô về việc được hoãn các quy định hải quan mới khi nhấn mạnh các chính sách đều được đàm phán xong. Tuy nhiên, SMMT vẫn hy vọng London và Brussels sẽ đồng ý tạm hoãn việc áp thuế và lùi thời hạn cho đến năm 2027.

Ông Hawes lưu ý rằng các khoản đầu tư rất lớn đã được đổ vào hoạt động sản xuất pin ở cả châu Âu và Vương quốc Anh, nhưng các nhà máy không thể tạo ra đủ lượng pin cần thiết chỉ trong 12 tháng. Họ sẽ phải mất hai hoặc ba năm nữa.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tháng trước đã nới lỏng các chính sách nhằm đạt được mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050 dù khẳng định sẽ không làm chậm các nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Động thái này bao gồm việc lùi thời hạn cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2030 sang năm 2035, làm dấy lên sự chỉ trích từ các nhà lập pháp đối lập cũng như các nhà vận động vì môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục