Ảnh hưởng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga (Phần 1)

05:30' - 12/05/2018
BNEWS Đã hơn 4 năm trôi qua từ khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu áp đặt biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moskva ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông-Nam Ukraine và sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN 

Từ đó đến nay, Mỹ và các đồng minh không những gia hạn nhiều lần mà còn áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới khiến nền kinh tế Nga phải hứng chịu nhiều hậu quả tiêu cực. Các lệnh trừng phạt chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng, giới chính trị gia và một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn, vốn không liên quan gì đến dân thường. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định trên thực tế, người dân Nga cảm nhận được tác động tiêu cực từ "cuộc chiến trừng phạt" và tác động này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Theo chuyên gia kinh tế Igor Nikolayev, Viện trưởng Viện phân tích chiến lược thuộc Công ty Tư vấn Kế toán và Tài chính (FBK), nếu xét về những chỉ số kinh tế vĩ mô thì nền kinh tế Nga đã thích nghi với các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Theo số liệu được Cơ quan Thống kê nhà nước Rosstat của Nga công bố ngày 1/2, trong năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 1,5% sau khi sụt giảm 2,8% trong năm 2015 và 0,2% trong năm 2016. 

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng sự hồi phục của nền kinh tế Nga phần lớn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, một trong số yếu tố chủ chốt là giá dầu mỏ thế giới tăng.

Theo đánh giá của FBK, các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 1,2% GDP/năm, và trong bối cảnh hiện nay khi các biện pháp trừng phạt mới tiếp tục được áp đặt thì con số thiệt hại đối với nền kinh tế Nga có thể tăng lên hơn 3%/năm.

Theo giới chuyên gia, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây là tài chính. Các ngân hàng phương Tây bị cấm cung cấp tín dụng cho các ngân hàng Nga và các công ty nhà nước Nga. Điều này làm giảm mạnh cơ hội của giới doanh nghiệp Nga trong việc tiếp cận nguồn tiền giá rẻ. 

Theo số liệu của PricewaterhouseCoopers, nếu vào năm 2013, thời điểm Nga chưa bị phương Tây trừng phạt, chỉ tính riêng trên thị trường trái phiếu châu Âu (Eurobonds) Nga đã thu hút được 46,4 tỷ USD, thì năm 2015 chỉ được gần 5 tỷ USD. Con số này đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2017, đạt 21 tỷ USD, song vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2013.

Theo chuyên gia Aleksei Korenev thuộc Công ty Finam, doanh nghiệp Nga "gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáo nợ và buộc phải tìm kiếm nguồn tài chính thay thế". Điều nguy hại nhất là "cuộc chiến trừng phạt kéo dài" sẽ khiến Nga không có đủ nguồn lực cần thiết (vốn và công nghệ) để hiện đại hóa kinh tế. Hơn nữa, các kế hoạch mà ông Putin cam kết sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ thứ 4 cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Những vấn đề này tưởng chừng như không liên quan đến người dân thường, song nhóm đối tượng này cảm nhận khá rõ. Lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây khiến đồng ruble của Nga mất khoảng 1/2 giá trị, đẩy giá thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tăng cao, trong khi thu nhập thực tế của người dân không được cải thiện, số người thất nghiệp vẫn ở mức cao. 

Dự kiến, giá cả thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng khoảng 4% trong năm 2018, trong khi thu nhập thực tế của người dân trong vòng 4 năm qua liên tục giảm.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), thu nhập thực tế của người dân Nga năm 2014 giảm 0,7%, năm 2015 giảm 3,2%, năm 2016 giảm 5,8% và năm 2017 giảm 1,7%. Cũng theo Rosstat, tính đến hết tháng 12/2017, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đạt mức 5,1%.

Các biện pháp trừng phạt của Nga tác động tiêu cực đến lĩnh vực nhạy cảm của Nga đó là năng lượng. Theo bà Anna Kokoreva, chuyên gia phân tích Công ty Alpari, ảnh hưởng rõ nhất là giá cổ phiếu các công ty dầu khí giảm mạnh và phục hồi rất chậm. 

Các lệnh trừng phạt cũng khiến cho mối quan hệ giữa Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với các đối tác châu Âu trở nên xấu đi. Các doanh nghiệp phương Tây bị cấm cung cấp cho các đối tác Nga những dịch vụ khoan nước sâu để khai thác dầu mỏ và khí đốt. Nga đang đối mặt với nguy cơ không có đủ các giàn khoan có khả năng hoạt động ở thềm lục địa, không có các tàu chuyên dụng tiến hành thăm dò địa chấn 3D. 

Tóm lại, Nga sẽ không có những công nghệ hiện đại để tiến hành khai thác dầu khí tại thềm lục địa. Giáo sư Khoa Địa chấn và Địa âm học Trường Đại học tổng hợp quốc gia Moskva (MGU) Yuri Ampilov nhấn mạnh việc loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ khai thác dầu khí hiện đại của phương Tây không thể thực hiện trong thời gian ngắn, do đó tương lai các dự án ở thềm lục địa đang trở nên mù mịt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục