Anh muốn duy trì hợp tác khoa học với EU hậu Brexit

11:15' - 06/09/2017
BNEWS Ngày 6/9, Chính phủ Anh bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với EU trong khai thác không gian, nghiên cứu hạt nhân và phát triển y học sau khi nước này chính thức rời khối này.
Anh muốn duy trì hợp tác khoa học với EU hậu Brexit. Ảnh: AFP
Ngày 6/9, Chính phủ Anh bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) trong khai thác không gian, nghiên cứu hạt nhân và phát triển y học sau khi nước này chính thức rời khối, dự kiến vào tháng 3/2019.

Trong tài liệu mới nhất về tầm nhìn của chính phủ, được gọi là "tài liệu quan hệ đối tác tương lai" về các mối quan hệ sau khi Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, Chính phủ Anh sẽ lấy những dẫn chứng về việc các quốc gia ngoài EU vẫn tham gia các chương trình như Galileo, European GPS và Copernicus về phát triển dịch vụ thông tin dựa trên dữ liệu thu thập từ các vệ tinh. Theo đó, Chính phủ Anh muốn thúc đẩy đàm phán giải quyết "ly hôn" về các mối quan hệ tương lai theo chiều hướng mở và kêu gọi EU cần "linh hoạt hơn".

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, ông David Davis (Đê-vít Đa-vi) từng coi việc tiếp tục hợp tác nghiên cứu là yếu tố quan trọng để tạo ra "một nước Anh toàn cầu", một khẩu hiệu thường được Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) đưa ra để nhấn mạnh về viễn cảnh nước Anh sau khi rời khỏi EU, trong đó đặc biệt coi trọng vấn đề nghiên cứu và đổi mới.

Tuy nhiên, EU vẫn khẳng định quan điểm không tiến hành thảo luận về tương lai tới khi đạt được "tiến bộ đầy đủ" trong 3 vấn đề ưu tiên đó là quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán "các hóa đơn Brexit", và biên giới tương lai giữa Ireland với Bắc Ireland.

Cùng ngày, Bộ trưởng Davis cũng khẳng định Anh và EU vẫn tồn tại những lập trường khác biệt về cái gọi là "hóa đơn Brexit" mà London sẽ phải thanh toán khi rời khỏi khối. Ông Davis cho rằng ông và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (Mi-sen Bác-nhi-ê) đều không lường trước được mâu thuẫn gia tăng về thỏa thuận tài chính tại mỗi vòng thảo luận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Davis vẫn khẳng định quan điểm của Anh về đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU sau khi nước này rời khối.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/9, tờ Guardian đã tiết lộ tài liệu chi tiết dự thảo 82 trang về những đề xuất từ phía Bộ Nội vụ Anh nhằm quản lý vấn đề di cư sau khi Anh rời khỏi EU. Theo đó, Anh dự định áp đặt những giới hạn đối với lao động có tay nghề thấp tới từ các nước thành viên EU và hạn chế các thành viên gia đình đi cùng sau khi nước này rời khỏi EU. Chính phủ Anh dự định áp dụng hệ thống kép với công dân EU tới Anh sau Brexit, những ai muốn ở lại nước này trong thời gian dài phải được cung cấp giấy phép cư trú trong thời gian 2 năm. Tuy nhiên, những lao động có tay nghề cao sẽ được phép áp dụng giấy phép với thời hạn lên đến 5 năm. Ngoài ra, trẻ em dưới 18 tuổi cùng người thân lớn tuổi đi theo cũng sẽ là đối tượng thuộc diện hạn chế. Những giải pháp này có thể được áp dụng ngay sau khi Anh rời khỏi khối, dự kiến vào tháng 3/2019.

Bộ Nội vụ Anh hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về dự thảo trên. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ nêu rõ: "Chúng tôi sẽ đưa ra các đề xuất ban đầu về hệ thống nhập cư mới nhằm kiểm soát biên giới Anh vào cuối mùa Thu tới"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục