Brexit - Mối đe dọa đối với sự gắn kết của EU

06:30' - 03/09/2017
BNEWS Mặc dù Brexit chưa gây hiệu ứng để nước nào trong EU theo gương, song việc Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU là mối đe dọa thực sự đối với sự gắn kết giữa các nước trong khối.
Brexit - Mối đe dọa đối với sự gắn kết của EU. Ảnh: Reuters

Vòng đàm phán thứ 3 về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã chính thức bắt đầu chiều 28/8 và kéo dài đến 31/8.

Theo kế hoạch của vòng đàm phán lần này, EU dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề tất toán các tài khoản khi Anh rời khỏi EU, bắt đầu bằng việc London trình bày những phân tích về mặt pháp lý liên quan đến khoản tiền mà họ có nghĩa vụ phải trả.

Các nhà đàm phán sẽ thảo luận về khối tài sản nợ của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cũng như một số yếu tố khác không thuộc phạm vi quản lý của ngân sách châu Âu, ví dụ như các khoản đóng góp của Anh vào Quỹ phát triển châu Âu (EDF).

Ngoài ra, EU cũng mong muốn phái đoàn đàm phán của Anh đưa ra những phương thức tính toán đểm xác định các khoản tiền mà London có nghĩa vụ thanh toán - điều mà đến nay nước này vẫn luôn từ chối thực hiện.

Liên quan đến việc bồi thường khi ra đi của Anh – với con số mà Brussels đưa ra có thể lên tới 100 tỷ euro, còn theo các thông tin tại London chỉ dưới 40 tỷ euro - các quan chức EU cho biết các cuộc thảo luận không phải là để thay đổi một con số, mà để nhất trí về cách thanh toán hóa đơn này. Theo chương trình dự kiến, hai bên sẽ tổ chức 3 phiên thảo luận về các vấn đề tài chính.

Một trong những điểm còn bất đồng khác trong quá trình đàm phán Brexit là việc áp dụng luật nhập cư của Anh cho những thành viên gia đình của công dân châu Âu sinh sống tại Anh. Đối với vấn đề này, EU muốn giữ các quyền của các thành viên tương lai trong gia đình dựa trên luật của EU.

Trong khi đó, phía London muốn mọi công dân phải được áp dụng một quy chế do nước Anh thiết lập, tuy nhiên EU đang tìm cách thay đổi quan điểm này. EU cũng mong muốn tìm được sự đồng thuận về vấn đề an sinh xã hội, quy chế của người lao động và việc chấp nhận trình độ chuyên môn.

Mặc dù Brexit chưa gây hiệu ứng để nước nào trong EU theo gương, song việc Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU là mối đe dọa thực sự đối với sự gắn kết giữa các nước trong khối. Thời báo Tài chính ngày 27/8 bình luận rằng mối hiểm nguy này sẽ không xảy ra ngay bây giờ mà sẽ là trong tương lai.

Trước khi dẫn đến cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, sự tách biệt chính trị giữa Anh và EU đã có từ rất lâu, những rạn nứt chính trị này bắt đầu từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Một hành trình giống hệt như vậy hiện đang diễn ra tại một số nước khác trong EU với những lý do khác nhau.

Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang gia tăng tại Hy Lạp - quốc gia đang ở trong tình trạng suy thoái triền miên do khủng hoảng quản lý của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Toàn bộ hệ thống chính trị tại Italy đang nổi loạn trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia hình chiếc ủng này đang rơi vào tình trạng lao đao kể từ khi gia nhập Eurozone.

Matteo Renzi, cựu Thủ tướng và là Tổng thư ký của đảng Dân chủ theo đường lối trung tả, muốn EU bỏ bớt một số quy định về tài khóa.

Silvio Berlusconi, một cựu Thủ tướng khác của Italy và đồng thời là lãnh đạo đảng Forza Italy theo đường lối trung hữu, thì muốn có chính sách sử dụng song song cả 2 đồng tiền (đồng nội tệ Italy và đồng euro).

Một số khác thì yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý về việc Italy có nên tiếp tục là thành viên của đồng euro nữa hay không, thậm chí có người yêu cầu rút khỏi Eurozone.

Ba Lan, Hungary là hai nước do chính phủ cực hữu cầm quyền, đều giữ khoảng cách đối với xu hướng chủ lưu tại EU hiện nay. EU đã phát động các bước trừng phạt đối với Ba Lan để phản đối các cuộc cải cách dẫn đến việc Chính phủ nước này gần như hoàn toàn bị các quan tòa kiểm soát.

Trong khi đó, những phát biểu của Thủ tướng Hungary Viktor Orban khiến người ta tự hỏi liệu Hungary còn muốn ở lại trong EU bao lâu nữa.

Thời báo Tài chính nhận định một khi Anh rời khỏi EU và chấm dứt đóng góp vào ngân sách của EU thì đánh giá về những mặt lợi, hại của việc là thành viên của EU - đặc biệt là của những nước không nằm trong Eurozone- sẽ thay đổi.

Các nước Anh, Italy, Hy Lạp, Ba Lan và Hungary có thể có các lý do khác nhau để thất vọng về EU, nhưng khi gộp lại để khái quát vấn đề thì nổi lên một nhận xét: đó là sự hội nhập của các nước ở các tốc độ khác nhau.

Điều này dẫn đến Eurozone không phải là một câu lạc bộ trong lòng một câu lạc bộ khác như một số người ủng hộ châu Âu tại Anh ngây thơ nghĩ như vậy.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp sau Brexit? Ảnh: Reuters

Qua thời gian, những mối quan tâm của các nước thành viên trở nên khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Việc tự do di chuyển lao động trong Eurozone là điều cần thiết như là một phần để giảm bớt tình trạng mất cân bằng kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, Anh lại nhìn nhận việc tự do đi lại làm việc trong Eurozone là vấn đề liên quan đến nhập cư.

Những xung đột không thể tránh khỏi giữa những nước có nền kinh tế mạnh và có sức chi phối trong khối đồng tiền chung châu Âu với những nước yếu hơn về kinh tế hay vị thế sẽ ngày càng trở nên rõ rệt và sắc nét hơn.

Một lý do khác nữa giải thích vì sao chưa có nước nào muốn rời EU như nước Anh: đó là hiện nay các bước đi cụ thể đối với Brexit vẫn chưa rõ ràng. Các nước vẫn chưa biết chính xác bản chất của thỏa thuận Brexit là sẽ đi về đâu.

Một thời kỳ chuyển đổi dài lâu để dẫn tới một thỏa thuận thương mại toàn diện - là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất - sẽ làm giảm thiểu tối đa mất mát cho cuộc chia tay này.  

Nếu như việc rời khỏi EU của nước Anh không nhất thiết sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế thì các nước khác sẽ cảm thấy ít bị ảnh hưởng.

Brexit có thể tạo ra tiền lệ để có thể có thêm những thỏa thuận ra đi nữa theo như điều 50 của Hiệp ước Lisbon khi mà việc rời EU không đáng lo ngại như mọi người nghĩ. Ngược lại, sẽ có những đánh giá khác nếu như Brexit dẫn đến một bức tranh kinh tế rối ren.

Wolfgang Münchau, tác giả bài báo cho rằng trong vài năm tới, EU có thể sẽ có những nỗ lực để dịch chuyển sức mạnh quyền lực từ cấp quốc gia chuyển sang quyền lực của khối trong một số lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề quản lý khu vực đồng tiền chung, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn dắt.

Ông cũng cho rằng Pháp và Đức sẽ đồng ý thực hiện cải cách EU, và nhiều khả năng sẽ dựa trên các ý tưởng của Đức về một cơ chế ổn định châu Âu vững mạnh, dựa trên quỹ bảo lãnh của Eurozone, và những chính sách giám sát tài chính nghiêm ngặt hơn đối với các nước thành viên.

Tác giả kết luận EU không phải sắp tan rã ngay lập tức, song cũng thật ngớ ngẩn khi khẳng định Brexit sẽ đem đến điều ngược lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục