Anh sẽ phải đàm phán lại với 161 nước thành viên WTO nếu rời EU

06:03' - 02/06/2016
BNEWS Rời EU, nước Anh có thể phải tiến hành các cuộc đàm phán chưa từng có giữa nước Anh và 161 nước thành viên WTO về các điều khoản liên quan tới tư cách thành viên của tổ chức thương mại này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevêdo. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Thời báo tài chính (The Financial Times) số ra ngày 25/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevêdo nói rằng nếu nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), người tiêu dùng và các doanh nghiệp “xứ sở sương mù” có thể thiệt hại 9 tỷ bảng Anh (13,2 tỷ USD) tiền thuế nhập khẩu bổ sung mỗi năm.

Đặc biệt Anh sẽ đứng trước nguy cơ phải tiến hành các cuộc đàm phán chưa từng có giữa nước Anh và 161 nước thành viên WTO về các điều khoản liên quan tới tư cách thành viên của tổ chức thương mại này.
Ông Azevêdo cho hay nước Anh gia nhập WTO khi là thành viên EU và các điều khoản gia nhập WTO được hình thành sau hai thập niên đàm phán với sự hậu thuẫn của Brussels. Vì vậy, nếu bỏ phiếu rời EU, hay còn gọi là “Brexit”, nước Anh sẽ không chỉ đơn giản là “cắt, dán” những điều khoản này.

Trên thực tế, nước Anh sẽ phải thương thảo lại các thỏa thuận trên mọi phương diện, từ hàng ngàn mục thuế, hạn ngạch xuất khẩu nông sản, trợ cấp nông nghiệp, cho tới các điều kiện tiếp cận thị trường mà các ngân hàng và các công ty dịch vụ khác của nước Anh hiện đang được hưởng.
WTO lưu ý rằng xuất khẩu của nước Anh có thể sẽ phải gánh 5,5 tỷ bảng các loại thuế mới tại thị trường nước ngoài. Rời EU, nước Anh sẽ phải đàm phán lại các điều khoản thương mại với 161 nước thành viên WTO, cũng như không được hưởng những ưu đãi như thuế nhập khẩu ở mức thấp hoặc bằng 0% khi tiếp cận thị trường 58 nước tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU.

Do vậy, để tuân thủ quy định của WTO, nước Anh sẽ phải áp đặt thuế nhập khẩu cao hơn đối với hàng hóa nhập từ 58 nước nói trên, đồng thời phải áp thêm mức thuế phụ thu đối với hàng xuất khẩu của nước Anh.
Theo Tổng Giám đốc WTO, một điểm nữa khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn đối với nước Anh trong trường hợp “Brexit” xảy ra là trong nhiều thập niên qua, EU vẫn luôn đại diện cho nước Anh trong các cuộc đàm phán thương mại.

Vì vậy, trong trường hợp rời khỏi EU, nước Anh sẽ phải tạo lập một cơ quan đàm phán thương mại. Do đó, nước Anh có thể sẽ phải mất vài năm để khởi động các cuộc đàm phán thương mại, đồng thời chấp nhận thực tế rằng việc đàm phán các thỏa thuận thương mại là vô cùng khó khăn và phức tạp.

Cho dù nước Anh có sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nhanh với tất cả nước thành viên WTO, thì chưa chắc các nước thành viên khác đều sẵn sàng đàm phán với nước Anh khi mà họ theo đuổi các ưu tiên khác.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) vừa lên tiếng cảnh báo việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ buộc giới chức nước này phải kéo dài chính sách "thắt lưng buộc bụng" thêm hai năm nữa để đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách.

Trong một động thái can thiệp mới nhất giữa lúc các cuộc tranh luận về ra đi hay ở lại EU đang diễn ra “sôi sục” trước khi nước này tiến hành cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới, tổ chức độc lập rất có uy tín này ước tính tác động của tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) thấp hơn và chi phí vay mượn tăng thêm do "Brexit" sẽ khiến ngân sách chính phủ hao hụt từ 20-40 tỷ bảng vào năm 2020.

Điều này đồng nghĩa với việc London sẽ phải trầy trật để đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2022, muộn hơn hai năm so với mục tiêu đề ra của Chính phủ Thủ tướng David Cameron.
Ông Carl Emmerson, Phó Giám đốc IFS và là tác giả báo cáo trên, nhấn mạnh rằng mặc dù chưa thể tính toán cụ thể hậu quả của việc rời khỏi EU đối với nền kinh tế và nền tài chính công của nước Anh, song có điều chắc chắn là nếu rời EU, nước Anh sẽ phải chịu tổn thất cao hơn so với những gì mà nền tài chính công được lợi từ việc không phải đóng góp cho ngân sách EU.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục