Apple gặp rắc rối với Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU

10:25' - 25/06/2024
BNEWS Ngày 24/6, EU đưa ra cáo buộc đầu tiên dựa theo luật cạnh tranh kỹ thuật số mới của khối này, cáo buộc Apple ngăn các nhà sản xuất ứng dụng giới thiệu người dùng lựa chọn rẻ hơn ở các nền tảng khác.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, theo những phát hiện sơ bộ của cuộc điều tra, các hạn chế mà nhà sản xuất iPhone áp đặt đối với các nhà phát triển ứng dụng sử dụng nền tảng App Store trên thiết bị di động đã vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của khối gồm 27 quốc gia.

 

DMA là một bộ luật toàn diện nhằm ngăn chặn các "người gác cổng" công nghệ độc chiếm thị trường kỹ thuật số với những hình phạt tài chính nặng nề.

EC đã mở một vòng điều tra ban đầu sau khi luật có hiệu lực vào tháng 3/2024, bao gồm một cuộc điều tra riêng đang diễn ra về việc liệu Apple có đang tạo điều kiện để cho phép người dùng iPhone dễ dàng thay đổi trình duyệt web hay không, cũng như các vụ điều tra khác liên quan đến hai “gã khổng lồ” công nghệ khác là Google và Meta.

Theo các điều khoản của DMA, các nhà phát triển ứng dụng phải được phép thông báo cho khách hàng về những lựa chọn mua ứng dụng rẻ hơn và hướng dẫn họ đến các nền tảng đó.

EC cho biết, các quy tắc của App Store- cửa hàng ứng dụng trực tuyến của Apple- ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng tự do hướng người tiêu dùng đến các kênh thay thế để mua sản phẩm và nội dung với giá rẻ hơn.

Apple hiện có quyền phản hồi các cáo buộc trên, trước khi EC phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc tuân thủ của Apple vào tháng 3/2025. Công ty có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt trị giá tới 10% doanh thu toàn cầu, ước tính lên tới hàng tỷ euro.

EC đồng thời cũng đang mở một cuộc điều tra mới về các điều khoản hợp đồng mà Apple đang cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng. Các nhà chức trách tập trung vào "phí công nghệ cốt lõi" trị giá 50 xu euro (54 xu Mỹ) mà Apple hiện đang tính cho các nhà phát triển ứng dụng mỗi lần ứng dụng của họ được tải xuống và cài đặt từ bên ngoài App Store. Các điều khoản của DMA mở đường cho các cửa hàng ứng dụng thay thế nhằm cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.

Apple cho biết: "Chúng tôi tin tưởng kế hoạch của chúng tôi tuân thủ luật pháp, và ước tính hơn 99% các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải trả phí cho Apple bằng hoặc thấp hơn theo các điều khoản kinh doanh mới mà chúng tôi tạo ra. Tất cả các nhà phát triển ứng dụng tại Liên minh châu Âu (EU) trên App Store đều có khả năng hướng người dùng ứng dụng đến các nền tảng mua hàng với mức giá rất cạnh tranh". Công ty cho biết họ sẽ "tiếp tục lắng nghe và hợp tác" với EC.

Trước đó hai ngày, Apple đã quyết định hoãn ra mắt các tính năng về Trí tuệ nhân tạo (AI) ở châu Âu vì "những bất ổn về quy định" liên quan đến luật mới của EU nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty công nghệ lớn.

Đầu tháng Sáu, Apple đã ra mắt "Apple Intelligence" - bộ tính năng AI dành cho các thiết bị nổi tiếng của công ty nhằm trấn an người dùng rằng họ sẽ không tụt hậu trong lĩnh vực AI.

Apple đang dần chuyển hướng sang Ấn Độ, coi đây là thị trường trọng điểm tiếp theo với tiềm năng tăng trưởng lớn khi thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc đã bão hòa. Giám đốc điều hành Gene Munster của Deepwater Asset Management cho biết Apple đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kéo dài cả thập kỷ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á, cả về sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Trung Quốc chiếm phần lớn các đối tác trong chuỗi cung ứng của Apple, chẳng hạn như Foxconn và Pegatron. Việc tập trung năng lực sản xuất tại một khu vực đã gây ra thiệt hại đáng kể trong đại dịch khi Trung Quốc buộc các nhà máy đóng cửa, làm hạn chế khả năng sản xuất và vận chuyển thiết bị của Apple.

Mặc dù sau đó các nhà máy đã hoạt động trở lại, Apple vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Song việc đóng cửa nhà máy ảnh hưởng đến hoạt động của công ty là dấu hiệu đáng lo ngại về sự thiếu linh hoạt của chuỗi cung ứng.

Những khó khăn của Apple ở Trung Quốc không chỉ liên quan đến sản xuất. Nhà sản xuất này cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán điện thoại thông minh iPhone tại đây do tăng trưởng kinh tế chậm lại và các đối thủ cạnh tranh trong khu vực giành được thị phần.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple về doanh thu, chỉ sau châu Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, doanh số bán iPhone tại đây đang chững lại. Trong quý I/2024, Apple báo cáo doanh thu tại Trung Quốc đại lục giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2% trong cả năm 2023. Trước đó, Apple báo cáo mức tăng trưởng 9% tại Trung Quốc trong năm 2022.

Trung Quốc hiện cũng đang là một thị trường điện thoại thông minh tương đối bão hòa, khiến việc đạt được mức tăng trưởng đột phá trở nên khó khăn. Đây là lý do tại sao Apple chuyển hướng sang Ấn Độ. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ có tầng lớp trung lưu đang phát triển. Đây có thể là một thị trường béo bở cho Apple.

Ông Munster cho hay Trung Quốc mất 5 năm để thực sự trở thành thị trường quan trọng của Apple. Đối với Ấn Độ, nước này có thể cần đến 10 năm, do là nước này có dân số đông nhưng GDP bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/4 so với Trung Quốc. Nhìn chung, người dân Ấn Độ không có mức thu nhập tương đương với người dân Trung Quốc.

Năm 2023, Apple đã mở cửa hàng chính thức đầu tiên tại Ấn Độ, với sự tham dự của ông Tim Cook tại sự kiện khai trương ở Mumbai. Apple cũng đang sản xuất một số điện thoại iPhone mới nhất tại quốc gia này, càng củng cố tầm quan trọng của thị trường này đối với công ty.

Các thị trường mới nổi như Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong sự tăng trưởng của Apple trong những năm tới, khi các thị trường lớn hơn của nhà sản xuất này đang dần bão hòa và tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục