Apple tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường mới nổi ở châu Á

14:26' - 22/05/2023
BNEWS Apple thông báo đã mở cửa hàng trực tuyến chính thức tại Việt Nam vào ngày 18/5, tiếp sau sự ra mắt các cửa hàng bán trực tiếp đầu tiên ở Ấn Độ.

Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi đối với nhà sản xuất iPhone, khi tốc độ tăng trưởng ở các thị trường phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đang chậm lại.
Việc bắt đầu bán hàng trực tuyến ở một quốc gia thường diễn ra trước khi Apple chính thức mở các cửa hàng truyền thống. Điều này đã xảy ra tại Ấn Độ, nơi Apple đã mở các cửa hàng vật lý đầu tiên vào tháng trước và Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook cam kết đầu tư nhiều hơn vào quốc gia này.
* Tìm kiếm cơ hội mới bên ngoài Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đóng vai trò làm “xương sống” cho cả hoạt động sản xuất và tiêu dùng của Apple, giúp họ trải qua một giai đoạn tăng trưởng phi thường và trở thành công ty có giá trị vốn hóa cao nhất trên toàn cầu. Đến hiện tại, mặc dù thị trưởng tỷ dân này vẫn là chìa khóa cho các hoạt động của Apple, “gã khổng lồ” công nghệ đang phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Và việc hướng tới các thị trường châu Á mới nổi bên ngoài Trung Quốc là một phần trong số những động thái đó.
Giám đốc điều hành (CEO) của Apple, ông Tim Cook đã chỉ ra triển vọng của công ty tại các nền kinh tế mới nổi, gọi đó là những “điểm sáng” trong kết quả tài chính của công ty. Tại hội nghị công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng này, CEO Cook cho biết ông “đặc biệt hài lòng” với hiệu suất tại các thị trường này trong ba tháng đầu năm.
Ông cho hay Apple đã đạt được các kỷ lục doanh số ở Mexico, Indonesia, Philippines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bên cạnh doanh số theo quý cao nhất mọi thời đại tại Brazil, Malaysia và Ấn Độ.
Tuy nhiên, “gã khổng lồ” cũng báo cáo mức giảm doanh thu hàng quý thứ hai liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu rộng hơn trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn.
Ông Daniel Ives, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities cho biết tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trên toàn cầu, từ đó gây thêm áp lực lên Apple trong việc tích cực theo đuổi các thị trường mới nổi.
Ives dự đoán rằng trong những năm tới, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn đối với Apple nhờ những nỗ lực của hãng tại các quốc gia này.

 

* “Siêu thị trường”
Ông Chiew Le Xuan, một nhà phân tích thị trường điện thoại thông minh ở Đông Nam Á cho công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, cho biết Apple đã “tích cực tăng cường” sự hiện diện của mình trong khu vực vào những tháng gần đây. Họ đã đẩy mạnh xây dựng mạng lưới phân phối và các đại lý được ủy quyền, đặc biệt là tại Malaysia.
Vẫn còn nhiều dư địa để Apple mở rộng hoạt động ở những thị trường này. Hiện tại, công ty chỉ điều hành các cửa hàng ở những nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan và Singapore. Ngay cả Indonesia, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ sáu thế giới, cũng chưa có một cửa hàng Apple chính thức nào. Theo dữ liệu của Canalys, thị phần của Apple ở Indonesia rất nhỏ, chỉ 1% vào năm 2022.

Cơ sở người tiêu dùng của Đông Nam Á cũng rất hứa hẹn. Theo công ty tư vấn quản trị Boston Consulting Group, số lượng hộ gia đình có thu nhập trung bình và khá giả ở các nền kinh tế như Việt Nam, Indonesia và Philippines dự kiến sẽ tăng khoảng 5% mỗi năm cho đến năm 2030. Công ty tư vấn đã gọi đây là “siêu thị trường tiếp theo”.
* Vẫn còn những thách thức
Trong nhiều năm, các thương hiệu cao cấp như Apple đã rất chật vật để cạnh tranh ở các thị trường mới nổi vì giá sản phẩm của họ quá cao. Thay vào đó, họ chọn dựa vào các đại lý địa phương.
Theo chuyên gia Chiew, giá một chiếc iPhone dao động trong khoảng từ 470 USD - 1.100 USD. Mức này khá đắt đỏ đối với người tiêu dùng ở các nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển, nơi phần lớn các sản phẩm điện thoại thông minh có giá dưới 200 USD.
Ông cho biết sự vắng mặt của Apple ở những nơi như Campuchia hay Việt Nam thường rõ ràng hơn vào dịp ra mắt mẫu iPhone mới. Khách hàng từ những quốc gia đó thường phải bay đến Singapore hoặc Malaysia để mua điện thoại và mang về bán lại. Điều này có thể thay đổi trong những năm tới, đặc biệt khi Apple tiếp tục tăng cường hiện diện trong khu vực.
Chuyên gia Ives dự đoán rằng Apple có thể mở rộng hơn nữa hệ sinh thái sang các thị trường mới nổi dựa theo bài học từ Trung Quốc: công ty có thể cố gắng thu hút khách hàng thông qua các chiến lược định giá khác nhau và xây dựng cơ sở khách hàng từ đó. Ông nói thêm thường khi những người dùng này đã chuyển đổi sang hệ điều hành iOS của Apple, họ có xu hướng gắn bó và trở thành khách hàng trung thành.
Apple cũng có thể phải đối mặt với những rào cản khác ở Đông Nam Á, nơi một số quốc gia đã đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ví dụ, Indonesia quy định ít nhất 35% linh kiện của hàng điện tử bán ở nước này phải được sản xuất tại địa phương, buộc Apple phải hợp tác với các công ty địa phương. Những quy định tương tự đã ngăn Apple mở cửa hàng ở ở Ấn Độ trong nhiều năm liền, cho đến khi chúng được nới lỏng vào năm 2019.
Chuyên gia Ives cũng lưu ý trong khi người tiêu dùng Đông Nam Á đang trở nên giàu có hơn, mức giá bán của công ty vẫn được coi là cao ở nhiều thị trường mới nổi. Điều này có thể khiến con đường tăng trưởng của Apple khá gập ghềnh tại những thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục