ASEAN 2020: Khẳng định vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế

21:28' - 12/11/2020
BNEWS Chia sẻ với phóng viên TTXVN một số nhà lãnh đạo nữ đã đánh giá cao việc lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, chia sẻ với phóng viên TTXVN một số nhà lãnh đạo nữ đã đánh giá cao việc lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan. Đặc biệt, sự kiện này giúp khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế xã hội.

*Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga:

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 là một hoạt động lớn khép lại Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay. Đây không phải là một Năm Chủ tịch thường niên và định kỳ luân phiên mà mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.

Các bạn bè quốc tế và các thành viên ASEAN đều đánh giá vai trò lãnh đạo của Việt Nam, sáng kiến của Việt Nam, sự kiên định trong bản lĩnh đối ngoại của Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vượt qua sóng gió của đại dịch COVID-19.

Trong khi rất nhiều hợp tác quốc tế như ASEM, APEC và các khuôn khổ toàn cầu đều bị tác động mạnh mẽ, hợp tác các khu vực bị tác động mạnh mẽ từ châu Âu đến Nam Á, Mỹ Latinh nhưng ASEAN vẫn là điểm sáng lớn nhất một trong bức tranh chung của hợp tác trên thế giới hiện nay. 

Đà hợp tác được duy trì và đẩy mạnh, nâng tầm hơn bao giờ hết và trở nên toàn diện với những sáng kiến, chương trình sáng tạo và năng động, thích ứng rất nhanh. Đây là một điều mà Việt Nam rất tự hào vì đã đóng góp được cho ASEAN.

Tuần lễ cấp cao - Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này khẳng định lại tất cả những nỗ lực mà cả một năm mà Việt Nam đã đề ra trên các tất cả các phương diện.

Thứ nhất là vấn đề quan tâm thiết thực nhất với người dân với cộng đồng ASEAN và thế giới đó là ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ASEAN đã nỗ lực cao và khẳng định sự phối hợp với nhau.

Thứ hai, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 thông qua một chương trình nghị sự rất quan trọng, đó là khuôn khổ về phục hồi tổng thể của ASEAN sau đại dịch COVID-19 như thế nào.

Đây là vấn đề lớn bởi đại dịch COVID-19 đã đảo lộn toàn bộ tất cả những nỗ lực của toàn cầu trong gần 30 năm qua về chống xóa đói giảm nghèo, về giáo dục, y tế và phát triển bền vững... tất cả gần như bị đảo lộn và xóa sạch.

Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ suy dinh dưỡng và các vấn đề khác về y tế đều đứng trước rất nhiều thách thức và khủng hoảng. Do đó, ASEAN đã kịp thời có giải pháp ứng phó và đồng thời để phục hồi là những kế hoạch đan xen.

Dấu ấn của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này là khẳng định quyết tâm của ASEAN kiên định về một ASEAN gắn kết, là một ASEAN bền vững, hòa bình và trung lập.

Đây là những vấn đề rất quan trọng vì có môi trường hòa bình an ninh ổn định và trung lập, ASEAN mới có thể phát huy được vai trò và phát triển, Cộng đồng ASEAN mới có thể vững mạnh.

Vì vậy, khẳng định của ASEAN trong năm nay, đặc biệt với những tuyên bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này rất quan trọng để định hướng cho ASEAN đi đến năm 2025, thực hiện tầm nhìn và định hướng cho giai đoạn đoạn sau năm 2025.

Một dấu ấn nữa của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này là đưa ra những quyết định lớn về vấn đề tăng cường vai trò của ASEAN trên tầm toàn cầu trong thực hiện các cam kết quốc tế, trong thực hiện các vấn đề về phát triển bền vững, các vấn đề hòa bình và an ninh, tăng cường quyền năng của phụ nữ, trong vấn đề phát triển và quan hệ với các đối tác.

Đồng thời là các kết nối và vai trò của ASEAN với các đối tác lớn, các trung tâm lớn ngày càng được củng cố, với việc có thêm rất nhiều thành viên mới tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hữu nghị, trở thành các đối tác về phát triển của ASEAN.

Có thể nói hội nghị lần này đã khép lại một năm rất thành công với nhiều dấu ấn và với tầm mức cao sau nhiều hoạt động của ASEAN trong năm qua và sẽ định hướng cho ASEAN trong nhiều năm tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN là một trong những hội nghị rất quan trọng, mang dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và sự kiện này cũng có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các Hội nghị cấp cao ASEAN 37 lần này.

Trong góc độ của ASEAN, đây là hội nghị mang tính lịch sử và là hội nghị cấp cao lần thứ hai của lãnh đạo nữ ASEAN được tổ chức trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay.

Tầm mức, thời điểm và tính thiết thực của sự kiện ở mức rất cao, toàn diện, có ý nghĩa thiết thực hơn rất nhiều so với những giai đoạn trước.

Tại ASEAN, vấn đề về phụ nữ, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ đã được thảo luận trong khoảng hơn 40 năm trở lại đây và đã hình thành được các cơ chế như Ủy ban, hội nghị Bộ trưởng tạo ra sự phối hợp trong ASEAN về các vấn đề về phụ nữ hay bình đẳng giới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, các vấn đề về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ mới được bàn một cách toàn diện với chuỗi 3 hoạt động lớn ở Cấp cao và Bộ trưởng mà Việt Nam đề xuất trong năm nay.

Đó là phiên đặc biệt của các Nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN về vấn đề tăng quyền năng, vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phiên đặc biệt của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN bàn về vai trò của phụ nữ đóng góp cho các mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh bền vững.

Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN đã có một loạt hoạt động quan trọng và toàn diện bàn về vai trò và đóng góp của phụ nữ.

Liên quan đến hợp tác tiểu vùng trong ASEAN, qua đại dịch COVID-19 và thiên tai mà đồng bào miền Trung đang hứng chịu có thể thấy rất rõ những thách thức về phát triển ngày càng khôn lường và tương tác với nhau và tạo ra hệ lụy lớn đối với bà con các vùng miền, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.

Những vùng sâu vùng xa đó luôn luôn là ưu tiên trong các hợp tác của ASEAN về vấn đề phát triển nhưng chưa có một chương trình, một dự án nào cụ thể.

Thế nhưng, tại hội nghị lần này đã đưa thành một vấn đề lớn để ASEAN định hướng thúc đẩy các hợp tác tiểu vùng không chỉ ở Việt Nam với các nước ASEAN lục địa như Thái Lan Lào Campuchia Myanmar (Mê Kông) mà cả giữa ra các ASEAN ở ngoài biển đảo cũng có rất nhiều vùng sâu vùng xa, rất nghèo, trình độ phát triển thấp.

Đây là một vấn đề rất mới và được nâng tầm hơn so với trước, cách tiếp cận mới rộng lớn hơn và gắn với ASEAN và coi đó là ưu tiên trọng tâm trong thời gian tới.

Điều này có ý nghĩa thiết thực đối với bà con, đặc biệt là các vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây không chỉ là một vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh lương thực của Việt Nam mà của cả ASEAN.

Hơn nữa, Việt Nam là nguồn cung cấp lương thực rất lớn cho khu vực và năm nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - nguồn cung cấp lương thực cho thế giới trong tình hình đại dịch COVID-19 và các thiên tai hiện nay cho thấy an ninh lương thực và nguồn nước có ý nghĩa cực kỳ lớn. Do đó, các chương trình nghị sự đúng với mối quan tâm của các nước ASEAN và hợp tác quốc tế chung trên toàn cầu.

*Bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam:

Tôi đánh giá cao việc lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.

Đặc biệt, sự kiện này giúp khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý, tham dự hội nghị lần này có Hoàng hậu Hà Lan Maxima - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển tài chính toàn diện.

Với sự tham dự của Hoàng hậu Maxima và Liên hợp quốc, Hà Lan mong muốn đóng vai trò nhỏ nhưng có ý nghĩa tại hội nghị quan trọng này.

Nhận định về ý nghĩa và tác động của Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, theo bà Akkerman, điều quan trọng là các chương trình nghị sự về khôi phục kinh tế và phát triển xã hội của ASEAN được các nhà lãnh đạo hết sức ủng hộ.

Trong kinh doanh, phụ nữ được đánh giá là những doanh nhân giỏi do đó nên khuyến khích và trao quyền cho phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữa ASEAN đã cung cấp một diễn đàn cho các nữ lãnh đạo phản ánh về những gì đang diễn ra trên thế giới và những kiến nghị để cải thiện tình hình hiện tại.        

*Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam:  

Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt vai trò chủ nhà trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 dù phải đối mặt với những khủng hoảng bởi thách thức và dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Cùng với đó, Việt Nam đã rất thành công trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 trên lĩnh vực y tế và kinh tế xã hội và chủ đề “Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua.

Trong số các hội nghị được tổ chức lần này, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN đề cập đến vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Đây cũng là một điều vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Bởi, nếu phụ nữ không chỉ từ các nước ASEAN mà còn trên cả thế giới cùng hợp lực có thể tạo ra những ảnh hưởng vô cùng lớn với lĩnh vực kinh doanh cũng như quá trình xây dựng nền hòa bình.

Điều này sẽ đóng một vai trò quan trọng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, đồng thời tạo điều kiện cải thiện cuộc sống của tất cả chúng ta.

Tôi rất tự hào khi thấy Việt Nam đang dẫn dắt lĩnh vực này và UNDP rất vinh dự được đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và mở rộng trong khuôn khổ toàn ASEAN.

Ở một khía cạnh khác, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối tất cả các quốc gia, các nền kinh tế trong khu vực có thể cùng nhau hợp tác và hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp từ khắp các nước trong khu vực có thể cùng nhau tìm ra phương hướng để đẩy mạnh hợp tác.

Đặc biệt, hội nghị thực sự rất sáng tạo, mang đến tinh thần hợp tác, đoàn kết và thể hiện sự giàu có trong bản sắc văn hóa của các nước thành viên ASEAN. Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều điều để tự hào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục