ASEAN - Ấn Độ hợp tác an ninh trong không gian mạng

07:10' - 15/10/2020
BNEWS Trong tình hình hiện nay, con người đang phụ thuộc nhiều hơn vào thanh toán kỹ thuật số do ít sử dụng tiền mặt hơn, trong khi xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Đối thoại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ kênh 1.5 về các vấn đề mạng lần thứ hai đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tập trung trao đổi về hợp tác và an ninh trong lĩnh vực kỹ thuật số và không gian mạng, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang thúc đẩy quá trình số hóa và mạng hóa các tương tác.

Đối thoại có sự tham dự của Đại sứ Indonesia tại Ấn Độ Dato Suryodipuro, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF) Akshay Mathur, Bí thư (Thứ trưởng) Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông Vijay Thakur Singh cùng các chuyên gia mạng hàng đầu đại diện cho các chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và ngành công nghiệp từ các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ.

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá do đại dịch COVID-19, làm việc tại nhà đã trở thành một tiêu chuẩn mới. Trong tình hình hiện nay, con người đang phụ thuộc nhiều hơn vào thanh toán kỹ thuật số do ít sử dụng tiền mặt hơn, trong khi xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Với sự kết nối ngày càng lớn này, các nguy cơ liên quan đến tội phạm mạng cũng gia tăng. Các vụ gian lận, lừa đảo liên quan đến COVID-19, bán hàng trực tuyến vật tư y tế và đồ bảo hộ cá nhân (PPE) giả xuất hiện ngày càng nhiều.

Phát biểu tại sự kiện, Bí thư Vijay Thakur Singh nhấn mạnh những nguy cơ liên quan đến tội phạm mạng. Bà cho biết: “Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra cả sức ép và cơ hội đối với các giải pháp chính sách sáng tạo, cũng như sự hợp tác trong khu vực để thúc đẩy một không gian mạng an toàn, linh hoạt và công bằng”.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến vấn đề này, bà Singh nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng và triển khai các biện pháp để bảo vệ không gian mạng trước các tác nhân độc hại.

Quan chức Ấn Độ cũng đề cập đến sáng kiến của nước này nhằm đối phó các nguy cơ như vậy với chương trình Kỹ thuật số Ấn Độ và Chiến lược An ninh mạng Quốc gia 2020 cho 5 năm tới.

ASEAN cũng đã đưa ra các bộ giải pháp riêng để ngăn chặn tội phạm mạng, như Hiệp định khung e-ASEAN và Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025).

Trong khi đó, Ấn Độ đã thành lập các Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm chất lượng cao (CESDT) tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để tăng cường hợp tác kỹ thuật số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục