Australia cam kết chi 1 tỷ USD hỗ trợ phục hồi 6 lĩnh vực sản xuất

15:35' - 01/10/2020
BNEWS Ngày 1/10, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Australia sẽ chi 1,5 tỷ AUD (1 tỷ USD) để phục hồi sản xuất ở 6 lĩnh vực để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái sâu do dịch COVID-19.

Với quyết định trên, Australia đã đặt lĩnh vực sản xuất vào trọng tâm của kế hoạch phục hồi dài hạn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Australia nhận thức được rằng nước này đã quá phụ thuộc vào nguồn cung các mặt hàng thiếu yếu của châu Á và dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi nguồn cung toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Morrison đã trình bày kế hoạch đẩy mạnh chi tiêu trong lĩnh vực sản xuất trong một thập kỷ tới. Ông Morrison cho biết Australia vẫn còn tiềm năng để phát triển sản xuất. Trong năm 2019, lĩnh vực sản xuất chỉ đóng góp 5% cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia, thấp hơn nhiều so với con số 25% vào năm 1960.

Khoảng 5 ngày trước khi công bố ngân sách liên bang, Thủ tướng Morrison đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Australia trong loạt lĩnh vực như tài nguyên, khoáng sản quan trọng, thực phẩm và đồ uống, sản phẩm y tế, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, vũ trụ và quốc phòng. Các doanh nghiệp sẽ nhận được trợ cấp từ 100.000 AUD-1 triệu AUD (72.000 USD-720.000 USD).

Trong quý II vừa qua, tăng trưởng kinh tế Australia đã giảm 7%, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1959, trong bối cảnh các biện pháp khống chế dịch bệnh làm tê liệt hoạt động kinh doanh. Sau khi dịch bệnh đi xuống, Australia đã lên kế hoạch phục hồi kinh tế với chiến lược tăng nguồn cung khí đốt để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Cùng ngày, theo số liệu của Cục Thống kê Australia (ABS), số lượng việc làm tại Australia trong 3 tháng vừa qua (từ tháng 6 đến tháng 8) đã liên tục tăng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đang được nới lỏng tại phần lớn các khu vực trên cả nước, dẫn đến việc tăng nhu cầu lao động.

Cụ thể, số vị trí việc làm đã tăng 59,4% trong 3 tháng sau khi giảm ở mức kỷ lục là 43,2% trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8, trung bình cứ 1 vị trí việc làm thì có 4,5 người thất nghiệp, giảm xuống từ mức 7,1 trong 3 tháng trước đó.

Tuy nhiên, số lượng việc làm tại bang Victoria và New South Wales (NSW) vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch bùng phát, do bang Victoria áp dụng lệnh phong tỏa và bang NSW chịu ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ hai tại bang láng giềng.

Trong khi đó, tại các bang Tây Australia, Queensland, Nam Australia và vùng lãnh thổ phương Bắc, số lượng việc làm lại cao hơn so với trước khi đại dịch bùng phát, qua đó cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu lao động khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định các biện pháp hạn chế di chuyển tại ranh giới giữa các bang có thể ảnh hưởng đến khả năng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Khu vực tư nhân đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh với số lượng việc làm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 tăng 65,4%, sau khi giảm 44,9% trong 3 tháng trước đó. Số việc làm trong lĩnh vực công chỉ trong cùng kỳ chỉ tăng ở mức 22%, sau khi giảm 29% trong 3 tháng trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục