Australia chọn Việt Nam là đối tác chiến lược chuyển giao công nghệ 5G

09:05' - 08/08/2023
BNEWS Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) của Australia đã chọn Việt Nam là đối tác chiến lược để hợp tác về nghiên cứu chuyển giao công nghệ 5G ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 7/8, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi thăm, làm việc và trao đổi hợp tác với trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) của Australia tại UTS Techlab - một cơ sở nghiên cứu đa ngành nhằm hỗ trợ các mối quan hệ đối tác hàng đầu trong ngành, được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới và phát triển trong kỹ thuật và công nghệ thông tin.

Đây là một trong những hoạt động của chuyến công tác tại Australia của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương về công nghệ số và kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thiết lập, mở rộng hợp tác.

Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) của Australia đã chọn Việt Nam là đối tác chiến lược để hợp tác về nghiên cứu chuyển giao công nghệ 5G ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau. Cùng tham gia với đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông có ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Queensland và bang Nam Australia; một số lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Tổng công ty viễn thông Mobifone (MOBIFONE), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Công ty TNHH KMS Technology chuyên về phần mềm... Đón tiếp đoàn có ông Iain Watt, Hiệu phó trường Đại học Công nghệ Sydney, cùng nhiều giáo sư, nhà khoa học và các doanh nghiệp đang hoạt động nghiên cứu tại Techlab.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin Truyền thông đã thăm các hệ thống thí nghiệm công nghệ số và thiết bị nghiên cứu tiên tiến có tính đặc thù cao, ví dụ như Phòng thí nghiệm tương lai 5G của Nokia, Phòng thí nghiệm công nghệ 4.0 nuôi tảo, sản xuất bia, bàn rung mô phỏng động đất, buồng kín chống dội âm và điện từ.

Giới thiệu về Phòng thí nghiệm tương lai 5G của Nokia tại UTS Techlab, ông Tristan Lee - đại diện của Nokia tại UTS Techlab - cho biết đây là sự hội tụ của công nghệ 5G đẳng cấp thế giới của Nokia với chuyên môn nghiên cứu đa ngành của UTS Techlab.

Phòng thí nghiệm tương lai 5G của Nokia là nơi trình diễn và thử nghiệm sử dụng tiềm năng biến đổi của 5G trong các ngành công nghiệp khác nhau. Các nghiên cứu đều có tính ứng dụng thực tiễn trên thị trường ngay khi hoàn thành.

Trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác, ông Iain Watt cho biết UTS đã chọn Việt Nam là đối tác chiến lược để hợp tác về nghiên cứu chuyển giao công nghệ, mang các sản phẩm nghiên cứu đến xã hội. UTS Techlab là một hướng đi mới, nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn với các phòng thí nghiệm chuyên môn dành riêng cho các doanh nghiệp.

Các đối tác có thể tiếp cận các chuyên gia, phòng thí nghiệm và thiết bị chuyên dụng, cơ hội tài trợ và những sinh viên tài năng. Điều này hỗ trợ một hệ sinh thái đổi mới hợp tác với các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức đa quốc gia lớn với các nhóm học thuật và kỹ thuật.

Ông Iain Watt đã nêu ra một số ví dụ về các dự án mà UTS đã hoàn thành gần đây tại Việt Nam có ứng dụng kỹ thuật. UTS lắp đặt và triển khai hệ thống quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại Vịnh Xuân Đài Phú Yên để người nuôi trồng thủy sản có số liệu thời gian thực.

Phối hợp với Ủy ban cứu hộ cứu nạn Việt Nam, UTS cũng đã xây dựng một hệ thống mô phỏng dùng máy bay không người lái để đánh giá rủi ro và đưa ra các kế hoạt tiếp cận hiện trường an toàn, nhanh và hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hoan nghênh sự hợp tác giữa UTS và Việt Nam, đồng thời gợi ý các bước đi tiếp theo, đặc biệt là hợp tác giáo dục. Bộ trưởng cho biết, theo dự toán, Việt Nam sẽ thiếu 60% nguồn nhân lực về công nghệ số. Là một quốc gia có hệ thống giao dục đào tạo tốt, Australia có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu đào tạo về công nghệ số cho Việt Nam cũng như các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp số Việt Nam hiện cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để UTS có thể hợp tác với Việt Nam nhiều hơn nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục