Australia chưa xem xét hộ chiếu tiêm chủng cho sinh viên quốc tế

15:03' - 26/01/2021
BNEWS Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định còn quá sớm để xem xét hộ chiếu tiêm chủng cho sinh viên nước ngoài trong năm nay.

Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định còn quá sớm để xem xét hộ chiếu tiêm chủng cho sinh viên nước ngoài trong năm nay và chính phủ của ông vẫn ưu tiên hồi hương những người Australia còn bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhật báo The Australia ngày 25/1 dẫn lời Thủ tướng Morrison khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông vẫn là giúp công dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài được trở về nước và không làm quá tải hệ thống cơ sở cách ly trong nước.

Ông Morrison cảnh báo các trường đại học không nên dựa vào hộ chiếu tiêm chủng để lên kế hoạch tiếp nhận sinh viên quốc tế trong năm nay.

Theo Bộ ngoại giao Australia, hiện có khoảng 38.000 người Australia ở nước ngoài nằm trong danh sách đăng ký về nước.

Tuần trước, Bộ trưởng Giáo dục Alan Tudge đánh giá Australia sẽ khó có thể đón nhận một lượng lớn sinh viên nước ngoài trong năm nay, nhưng ông cũng đề cập đến khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho cho sinh viên quốc tế có giấy chứng nhận tiêm chủng.

Ngành giáo dục quốc tế Australia dự kiến sẽ mất 8 tỷ AUD (6,1 tỷ USD) học phí đại học trong học kỳ một năm 2021 nếu không có sinh viên nước ngoài nào được phép tới học và con số thiệt hại này sẽ là 10 tỷ AUD nếu không có sinh viên quốc tế trong năm nay.

Các chương trình thí điểm nhằm đưa nhiều sinh viên quốc tế tới học tại các bang New South Wales, South Australia và vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) đã bị trì hoãn trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Kuwait, Palestine và Tunisia đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Hãng thông tấn nhà nước Kuwait đưa tin chính phủ nước này ngày 25/1 đã hoãn thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch phục hồi các chuyến bay thương mại cho đến khi có thông báo khác.

Theo quyết định của Nội các Kuwait, các sân bay sẽ duy trì công suất phục vụ ở mức 30% so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Nội các cũng yêu cầu Tổng cục hàng không dân dụng Kuwait giảm số lượng chuyến bay vào nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, từ tháng 8/2020, Kuwait đã bắt đầu giai đoạn 1 của kế hoạch khôi phục các chuyến bay từ mức giảm công suất được áp đặt trong 6 tháng.

Sau giai đoạn đó, công suất tối đa được cho phép là 60%. Tuy nhiên, Chính phủ Kuwait đã hoãn giai đoạn 2 của kế hoạch này.

Hôm 24/1, Kuwait đã giảm số lượng chuyến bay chở khách quốc tế vào nước này đến 80%, tương đương còn 1.000 chuyến mỗi ngày, nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Cùng ngày 25/1, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cho biết Palestine cùng với Jordan và Israel đang cân nhắc đóng các cửa khẩu biên giới nhằm hạn chế sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ông Ishtaye cũng kêu gọi người dân đeo khẩu trang, rửa tay và tuân thủ giãn cách xã hội và coi đây là những biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả duy nhất trước khi người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong ngày 25/1, Palestine ghi nhận 17 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tại Tunisia, Bộ Y tế nước này ngày 25/1 đã thông báo các biện pháp hạn chế mới đối với những hành khách đến từ nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo đó, từ ngày 1/2 tới, tất cả người đến nước này phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên đường và thực hiện cách ly bắt buộc trong vòng 7 ngày tại trung tâm cách ly.

Trước khi kết thúc thời gian cách ly, hành khách được xét nghiệm PCR vào ngày cách ly cuối cùng. Nếu kết quả âm tính, họ có thể rời khỏi trung tâm cách ly và sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch chung.

Bộ Y tế Tunisia cũng quyết định duy trì lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia mà biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục