Australia đối mặt với thiệt hại ước tính lên tới 39 tỷ USD

13:54' - 17/04/2020
BNEWS Nền kinh tế Australia phải đối mặt với thiệt hại ước tính lên tới 60 tỷ AUD (39 tỷ USD) trong vòng 3 năm tới khi sinh viên quốc tế không thể nhập cảnh nước này do đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN Sydney, nghiên cứu của Viện Mitchell, Đại học Victoria, cho thấy khu vực đại học Australia sẽ mất từ 10 - 19 tỷ AUD từ năm 2020 - 2023, tùy theo thời gian nước này mở cửa biên giới cho sinh viên quốc tế.

Bên cạnh đó, nền kinh tế quốc gia sẽ bị mất thêm 20 - 38 tỷ AUD, khiến tổng thiệt hại có thể vào khoảng 30 - 60 tỷ AUD.

Peter Hurley, nhà nghiên cứu chính sách của Học viện Mitchell, cho biết doanh thu từ sinh viên quốc tế trong 6 tháng bị mất do hạn chế nhập cảnh ước tính tương đương với doanh thu của toàn bộ ngành sản xuất ô tô Australia.

Ông Hurley cho biết thêm không có sinh viên quốc tế nhập học trong 6 tháng cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học sẽ không có doanh thu trong 2-3 ba năm tiếp theo.

Báo cáo của Viện Mitchell cho thấy doanh thu từ sinh viên quốc tế của các trường đại học Australia tăng 137% trong giai đoạn 2008-2018. Sinh viên quốc tế đã trả hơn 3,7 tỷ AUD tiền học phí trong năm 2008 và hơn 8,8 tỷ AUD trong năm 2018.

Cũng trong khoảng thời gian trên, số lượng sinh viên quốc tế tăng 58%, điều này cho thấy các trường đại học đã tăng đáng kể mức học phí cũng như ngày càng phụ thuộc hơn vào sinh viên quốc tế.

Sáu trường đại học có một nửa doanh thu từ sinh viên quốc tế bao gồm Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Queensland và Đại học Liên bang ở Ballarat. Để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh, Chính phủ liên bang Autralia đã cam kết tài trợ 18 tỷ AUD cho giáo dục trong nước của các trường đại học trong năm 2020.

Các trường đại học đã hoan nghênh sự hỗ trợ của chính phủ nhưng cho rằng khoản tài trợ này không giải quyết được "lỗ hổng lớn" về doanh thu do sự vắng bóng của các sinh viên quốc tế.

* Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này hơn bất cứ sự kiện nào trong vòng 60 năm qua, với GDP dự báo sẽ giảm 4% và 10 triệu người mất việc làm.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh của UTCC Thanawat Phonwichai cho biết chỉ số niềm tin của Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018 do tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Các thành viên TCC cho rằng tình hình kinh tế hiện ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 1957 vì tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khiến cho 10 triệu người mất việc làm. Tuy nhiên, ông Thanawat cho rằng Thái Lan vẫn có thể hồi phục trong quý IV/2020 nếu tình hình ổn định.

Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh của UTCC dự báo kinh tế Thái Lan trong năm 2020 sẽ giảm 4% (hoặc dao động ở mức -3,4% đến -4,9%) nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ trị giá 1.900 tỉ baht (58,443 triệu USD). Nếu không có sự hỗ trợ đó, kinh tế Thái Lan có thể sẽ giảm tới mức -8,8%.

Việc GDP ở mức nào sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế. Trung tâm cũng đề xuất rằng chính phủ hạ thấp lãi suất, hoãn trả nợ và thuế, và giảm giá điện và nước, đồng thời bồi thường cho những lao động không tham gia hệ thống an sinh xã hội.

Thái Lan ngày 17/4 xác nhận thêm 28 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc COVID-19 mới được công bố theo ngày tiếp tục duy trì xu hướng giảm ở mức hai con số kể từ sau ngày 8/4.

Từ khi bùng phát dịch cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 2.700 ca bệnh, trong đó có 47 ca tử vong. Theo thống kê, thủ đô Bangkok là địa phương có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất, trong khi nhóm bệnh nhân đông nhất là những những người trong độ tuổi 20-29./.
>>Kinh tế Australia có nguy cơ suy thoái lần đầu tiên sau gần 30 năm tăng trưởng


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục