Nông nghiệp – “trụ đỡ” của nền kinh tế Thái Lan

11:32' - 15/04/2020
BNEWS Với việc sử dụng khoảng 40% lực lượng lao động trong nước và tỷ trọng đóng góp trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 10%, ngành nông nghiệp luôn giữ một vai trò then chốt trong nền kinh tế Thái Lan.

Kế hoạch phát triển “Thailand 4.0” do chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-ocha khởi xướng hướng tới xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và đưa nước này thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình thông qua việc tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên dồi dào và tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Vai trò quan trọng

Cho dù Thái Lan trong những năm gần đây đã tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại và đứng thứ 2 Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore trong lĩnh vực tài chính, song ngành nông nghiệp của nước này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Thái Lan tiếp tục tận dụng truyền thống nông nghiệp lâu đời và khí hậu thuận lợi để duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về các loại nông sản như gạo, đường và cao su.

Sự đa dạng sinh học tự nhiên đã giúp Thái Lan trở thành một nước sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới hàng đầu thế giới. Lợi thế này đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài rót vốn đầu tư vào những dự án nông nghiệp ở Thái Lan và thu được nhiều thành công.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Quốc gia Đông Nam Á này sản xuất hơn 20 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó khoảng 10 triệu tấn để tiêu dùng trong nước và phần còn lại để xuất khẩu.

Không chỉ là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, các nông sản khác mà Thái Lan cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm đường, dứa, cao su...

Sản lượng nông nghiệp trong nước không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho Thái Lan thông qua hoạt động xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng ở Thái Lan và tạo ra việc làm nhiều nhất cho dân cư nông thôn của nước này.

Ngành nông nghiệp Thái Lan thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% GDP.

Các chuyên gia nhận định, số liệu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp Thái Lan và cho rằng nước này nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ để lĩnh vực này có thể phát huy tối đa các thế mạnh, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Với sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực chế tạo, dịch vụ, bán lẻ cũng như các ngành nghề khác trong vài thập niên qua, ảnh hưởng trực tiếp của nông nghiệp đối với kinh tế Thái Lan đang có dấu hiệu giảm, song vẫn mang lại sinh kế cho những người dân Thái Lan có thu nhập thấp.

Nông nghiệp, đặc biệt sản xuất lúa gạo, vẫn là hoạt động kinh tế chủ chốt ở nhiều khu vực nông thôn ở Thái Lan – những nơi mà những nỗ lực phát triển kinh tế và hiện đại hóa vẫn chưa có ảnh hưởng đáng kể.

Tuy vậy, sự phát triển của các lĩnh vực như chế tạo, du lịch, xây dựng và dịch vụ đã dẫn tới một sự dịch chuyển lớn của lực lượng lao động từ ngành nông nghiệp và đang gây ra khủng hoảng thiếu lao động trong lĩnh vực này ở Thái Lan.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 30,43% tổng số việc làm của thị trường lao động Thái Lan trong năm 2019.

Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đang xem xét đầu tư 1 tỷ baht (hơn 30 triệu USD) trong tài khóa 2020 nhằm hỗ trợ nông dân và thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp trong nước phát triển.

Con số này sẽ là một phần trong ngân sách hàng năm trị giá 14 tỷ baht (hơn 366 triệu USD) của tài khóa 2020 và dự kiến bắt đầu được thực hiện trong tháng 5/2020.

Giữ vững an ninh lương thực

Chính phủ Thái Lan đầu tháng Tư cho biết quốc gia này không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo, bất chấp những lo ngại về an ninh lương thực đang ngày càng tăng trên thế giới.

Truyền thông sở tại dẫn lời bà Pimchanok Vonkorpon, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết, TPSO đang theo dõi các thị trường gạo toàn cầu trong giai đoạn dịch COVID-19, vào thời điểm nhiều nước xuất khẩu gạo chủ chốt như Ấn Độ, Trung Quốc… ngừng xuất khẩu gạo để đảm bảo đủ lương thực tiêu dùng nội địa.

Bà Pimchanok nói rằng Thái Lan không thể bị thiếu hụt lương thực hoặc gạo vì nhu cầu tiêu dùng nội địa chiếm 50% tổng sản lượng, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm có 32% sản lượng gạo mỗi năm và phần còn lại để lưu kho.

Ngay cả khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tăng vì có nhiều người ở nhà hơn thì tình trạng thiếu hụt cũng không thể xảy ra.

Theo bà Pimchanok, các kho gạo của Thái Lan có thể phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong sáu tháng cho tới khi thu hoạch vụ mới.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan  đã yêu cầu khu vực tư nhân giúp duy trì các kho gạo nhằm đảm bảo đủ nguồn cung nội địa.

Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỷ baht (hơn 4 tỷ USD), giảm 32% về số lượng và 25% về giá trị so với năm trước đó.

Trong năm nay, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại nước này.

Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013, năm mà Thái Lan chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, ông Thaweesak Thanadechopol, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan (RID), cho biết, vụ lúa thứ hai ở vùng lòng chảo sông Chao Phraya không được phép triển khai gieo hạt trong mùa khô năm nay, do những quan ngại về thiếu hụt nguồn nước canh tác.

Kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy vụ lúa thứ hai trải rộng trên diện tích 1,98 triệu rai (1 rai = 1.600m2), trong đó 1,58 triệu rai diện tích gieo trồng đã được thu hoạch. Hầu hết diện tích gieo trồng trên phụ thuộc vào các nguồn nước ở địa phương.

Theo ông Thaweesak, quy mô sử dụng nước của vụ lúa thứ hai đã lớn hơn kế hoạch phân bổ nguồn nước 82%. Cụ thể, theo kế hoạch, diện tích gieo trồng chỉ giới hạn ở mức 2,31 triệu rai, nhưng trên thực tế đã trội lên 4,2 triệu rai.

Phó Cục trưởng RID khẳng định cơ quan này sẽ nghiêm túc thực hiện kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ nước cho đến mùa mưa.

Theo kế hoạch cung cấp nước cho mùa khô năm này (từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020), hơn 17.699 triệu m3 nước đã được phân bổ đến các nơi sử dụng, thấp hơn 5.000 triệu m3 nước so với cùng kỳ năm ngoái.

Cho đến ngày 3/4, 14.488 triệu m3 nước đã được sử dụng, chiếm 82% tổng lượng nước theo kế hoạch. Căn cứ vào tình hình hiện tại, nhu cầu sử dụng nước được kỳ vọng sẽ diễn biến theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Trong khi đó, Trung tâm Thông tin Kinh tế thuộc Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) dự báo, nếu tình trạng hạn hán hiện nay tiếp tục kéo dài tới tháng Sáu, sản lượng gạo trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 7/2020 ở Thái Lan sẽ giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo tờ Nikkei Asia Review, giá gạo trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh khi tình trạng hạn hán đang khiến năng suất ở Thái Lan ở mức thấp. Trong khi đó, hoạt động mua vào ồ ạt diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 làm nguồn cung trở nên khan hiếm hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục