Australia khẳng định không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc

11:33' - 19/05/2020
BNEWS Ngày 19/5, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproudkhẳng định không có chiến tranh thương mại giữa nước này và Trung Quốc.

Ông Littleproud đưa ra tuyên bố trên tại một cuộc họp báo, sau khi Trung Quốc ngày 18/5 thông báo áp thuế nhập khẩu tổng cộng 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ giá 6,9%, áp dụng từ ngày 19/5 và có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Bộ trưởng Littleproud bày tỏ "thất vọng" về động thái này của Trung Quốc và cho biết phía Australia sẽ "kiên quyết bác bỏ lập luận cho rằng nông dân trồng lúa mạch của Australia được trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "không có chiến tranh thương mại" giữa hai bên.   

Bộ trưởng Littleproud cho biết thêm các quan chức Australia đang cố gắng kết nối với phía Trung Quốc để giải quyết vướng mắc thương mại giữa hai bên. Canberra sẽ xem xét để có những phản hồi một cách cẩn trọng và chính xác, không loại trừ khả năng khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Australia. Lúa mạch xuất khẩu được sử dụng cho sản xuất bia và làm thức ăn chăn nuôi.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết Australia sẽ tìm kiếm các thị trường mới cho lúa mạch xuất khẩu, sau khi Trung Quốc chính thức áp các mức thuế nói trên.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn thông báo của Bộ trưởng Birmingham ngày 19/5 nêu rõ các quan chức Australia đang đàm phán với một số khách hàng quốc tế tiềm năng, trong đó có Indonesia.

Theo đó, Australia và Indonesia sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 5/7 tới để thảo luận việc mở cửa thị trường xuất nhập khẩu thực phẩm và miễn giảm thuế, sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa hai nước chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, Australia cũng sẽ tích cực mở rộng xuất khẩu lúa mạch sang các thị trường khác như Nhật Bản và Việt Nam.

Những động thái trên diễn ra một tuần sau khi Hải quan Trung Quốc "cấm cửa" 4 nhà xuất khẩu thịt bò quy mô lớn của Australia với lý do những công ty này vi phạm về nhãn mác và giấy chứng nhận thú y.

Năm 2017, Trung Quốc cũng đã ban hành một lệnh cấm tương tự đối với 6 công ty chế biến thịt của Australia, bao gồm cả 4 công ty nói trên.

Lệnh cấm được cho là liên quan việc vi phạm tuân thủ quy định bao bì nhãn mác và mất hàng tháng để giải quyết ở mức độ ngoại giao cao cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục