Australia: Nhóm "Big Four" phải lập quỹ dự phòng sau các bê bối

21:29' - 02/05/2019
BNEWS Các ngân hàng lớn của Australia đang chịu sức ép phải xây dựng quỹ dự phòng trị giá hàng tỷ USD để bồi thường cho khách hàng, sau những bê bối thời gian gần đây.

Các ngân hàng lớn của Australia, vốn nằm trong danh sách những ngân hàng có nguồn lợi nhuận cao nhất thế giới, đang chịu sức ép phải xây dựng quỹ dự phòng trị giá hàng tỷ USD để bồi thường cho khách hàng, sau những bê bối thời gian gần đây.

Ngày 2/5, Ngân hàng National Australia Bank (NAB) đã trở thành thể chế tài chính mới nhất thông báo về chi phí bồi thường cho khách hàng sau vụ điều tra của chính phủ nhằm vào ngành ngân hàng.

Trong tài khóa trước (kết thúc vào 30/9), NAB đã dành một quỹ dự phòng trị giá 1,1 tỷ AUD (770 triệu USD) để dàn xếp với khách hàng.

Ủy ban Hoàng gia Australia đã phát hiện nhiều hành vi phạm pháp của các ngân hàng Australia như thu phí đối với cả người chết, thu phí mà không cung cấp dịch vụ,… gây thiệt hại về tài chính đối với khách hàng.

Hứng chịu những chỉ trích nặng nề là nguyên nhân dẫn tới sự ra đi của Chủ tịch và Giám đốc điều hành NAB.

Đầu tuần này, ngân hàng ANZ, đối thủ cạnh tranh của NAB, cho biết dành 928 triệu AUD kể từ nửa đầu tài khóa 2017 để bồi thường và đã liên hệ với hơn 276.000 khách hàng.

Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) và Westpac cũng có những bước đi tương tự. Macquarie Research ước tính tổng chi phí bồi thường có thể lên tới 6 tỷ AUD.

Australia có một hệ thống ngân hàng gần như độc quyền, chịu sự chi phối bởi 4 “ông lớn” được gọi là nhóm “Big Four” gồm CBA, Westpac, NAB và ANZ.

Nhóm này thống trị toàn bộ tài sản cũng như các hoạt động đầu tư và cho vay kinh doanh, mang lại cho người dân những lựa chọn hạn chế khi tìm kiếm các khoản vay tín dụng.

Theo nhận định của ngân hàng ANZ, kể từ khi Ủy ban Hoàng gia Australia chỉ ra một số hành vi cho vay tín dụng bất cẩn và gian lận, việc cho vay tiền đối với nhóm “Big Four” đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục